Kế hoạch bảo vệ rừng Amazon của Ecuador thất bại

ThienNhien.Net – Theo tin từ báo The Guardian Unlimited (Anh), kế hoạch đề xuất bảo vệ một trong những khu rừng nhiệt đới đa dạng sinh thái nhất thế giới của Ecuador trước hoạt động khai thác dầu mỏ đã thất bại trong việc bảo đảm nguồn tài trợ trước thời hạn cuối cùng vào tháng 12 này.

Chevron phải chịu trách nhiệm cải tạo môi trường

Kế hoạch được tổng thống Rafael Correa đề xuất vào tháng 4 năm 2007, kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ 350 triệu USD mỗi năm trong vòng một thập kỉ cho kế hoạch ngừng khai thác các mỏ dầu gần khu vực công viên quốc gia Yasuni trong rừng Amazon, phần diện tích nằm trên lãnh thổ Ecuador.


Kế hoạch dự kiến sẽ hạn chế được khoảng 108 triệu tấn cácbon dioxit phát thải trong khí quyển và bảo tồn hệ sinh thái được coi là đa dạng nhất thế giới này, cũng như các bộ tộc thổ dân lâu đời trên thế giới.
Những hoạt động khoan dầu trước đây ở khu vực đã phá huỷ nghiêm trọng môi trường địa phương. Tập đoàn dầu khí Chevron hiện đang phải đối mặt với khoản phạt 16 triệu USD về việc công ty Chevron Texaco đã phá huỷ môi trường trong những năm từ 1964 đến 1992.
Theo tờ The Guardian, mặc dù bản kế hoạch nhận được sự quan tâm từ chính phủ các nước Đức, Tây Ban Nha và Nauy, song không quốc gia nào ủng hộ mạnh về tài chính cho kế hoạch này. Nauy cho biết sẽ đóng góp tối đa 1 triệu USD cho quỹ bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon của Brazil.         

Tổng thống Correa từng phát biểu khi đưa ra đề xuất này: “Lựa chọn hàng đầu là để nguyên lượng dầu đó trong lòng đất, nhưng cộng đồng quốc tế sẽ phải bù đắp cho sự hi sinh lớn của một đất nước nghèo như Ecuador. Ecuado không kêu gọi từ thiện, nhưng chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ sự hi sinh của chúng tôi và bù đắp ít nhất một nửa những gì đất nước chúng tôi phải gánh chịu như một sự ghi nhận những lợi ích về môi trường sẽ đạt được nếu chúng ta giữ nguyên trữ lượng dầu trong lòng đất.”          

Gần đây Ecuador đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới môi trường. Tuần trước, quốc gia này đã thông qua dự luật về “quyền của môi trường”, trong đó quy định hệ sinh thái cũng có những quyền lợi hợp pháp như các quyền lợi mà con người và các doanh nghiệp vẫn được hưởng. Chính phủ cũng đưa ra chính sách khẩn cấp về việc di cư bất hợp pháp tới các đảo Galapagos, nơi nổi tiếng về động vật hoang dã, bất chấp việc không hạn chế khách du lịch vẫn đang gây nhiều tranh cãi.