ThienNhien.Net – Ngày 28/10/2008, tại khách sạn La Thành đã diễn ra Hội thảo tham vấn quốc gia “Vai trò của phụ nữ trong nghề cá” do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản (DECAFIREP) tổ chức
Hội thảo tham vấn “Vai trò của phụ nữ trong nghề cá” đưa ra các kết quả của các nghiên cứu điển hình về vai trò của người phụ nữ trong quản lý nguồn lợi dựa vào cộng đồng và nghề cá ở Việt Nam, thu nhận các ý kiến đóng góp của các bên liên quan; trên cơ sở đó sẽ đưa ra đề xuất xây dựng chương trình hành động quốc gia nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động nghề cá.
Với đóng góp hàng năm khoảng 3,4 – 4% GDP và 8,4% giá trị xuất khẩu cả nước, nghề cá ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Lực lượng lao động nghề cá hiện nay khoảng 5 triệu người. Theo ước tính, cứ một người làm nghề cá có cơ hội tạo việc làm cho 3 người khác, đặc biệt quan trọng là tạo việc làm cho phụ nữ. Ngoài việc cung cấp nguồn thực phẩm, nghề cá còn mang nét văn hóa đặc trưng gắn với truyền thống của các làng chài Việt Nam, với sự nghiệp bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đặc trưng, điển hình của một quốc gia biển nhiệt đới, đây cũng là một tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái biển.
Phụ nữ trong nghề cá, tuy không tham gia vào các hoạt động đánh bắt nhưng lại góp phần đáng kể trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, chế biến, buôn bán và các dịch vụ nghề cá và thể hiện rõ những thế mạnh, phẩm chất cần cù, siêng năng trong công việc. Theo các báo cáo gần dây, phụ nữ chiếm hơn 60% lực lượng lao động trong buôn bán và dịch vụ nghề cá, đặc biệt hơn 80% trong lao động chế biến thủy sản. Điều này không thể phủ nhận vai trò lớn của phụ nữ trong chuỗi giá trị sản phẩm nghề cá. Bên cạnh đó, phụ nữ đã bước đầu nắm giữ các vị trí lãnh đạo, chiến lược trong nghề cá và tham gia đóng góp trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển.
Yêu cầu phát triển cân bằng và quản lý bền vững nghề cá đòi hỏi chú ý đến tất cả các thành phần xã hội. Song, vai trò của phụ nữ ở lĩnh vực này dường như chưa được đánh giá và thừa nhận một cách đầy đủ.
Yếu tố xã hội, định kiến về vấn đề giới vẫn còn là một rào cản tại Việt Nam. Người phụ nữ gặp khó khăn trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực (tài nguyên, đất đai, công nghệ, tài chính…). Mặt khác, tiếng nói của người phụ nữ còn chưa được phản ánh đầy đủ trong việc ra các chính sách và quyết định liên quan. Điều này không chỉ dẫn đến sự thiếu bình đẳng mà còn dẫn đến việc hiểu không đầy đủ về nghề cá trong toàn thể hoạt động và chức năng.
Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn công ước quốc tế “Chống mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ” (CEDAW) và cam kết thực hiện 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó mục tiêu thứ 3 là thực hiện bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ. Kế hoạch hành động về Giới giai đoạn 2008 – 2010 của ngành Thuỷ sản cũng đang được xây dựng nhằm tăng cường sự cam kết về việc thực hiện bình đẳng Giới và hoàn thiện các thể chế về lồng ghép Giới trong chương trình phát triển của ngành.