ThienNhien.Net – Vedan, tiếng chuông cảnh tỉnh về tình trạng môi trường đáng báo động ở Việt Nam. Vụ án này đã đi đến hồi kết, xong những hệ lụy và những bài học mà nó đặt ra đang trở thành chủ đề nóng bỏng cho chúng ta. Ngày 25/10/2008 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Doanh nghiệp và môi trường qua vụ việc Vedan” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam tổ chức.
Theo TS. Nguyễn Văn Phương – Đại học Luật Hà Nội cho biết hiện tại các hành vi xâm hại tới môi trường cho dù có nghiêm trọng tới đâu cũng không thể xử bằng các biện pháp hình sự đối với pháp nhân nếu hành vi đó thỏa mãn các điều kiện khách quan của luật. Do vậy mà môi trường của chúng ta vẫn tiếp tục bị xâm hại bởi các tổ chức, pháp nhân.
Trong thời gian tới Bộ luật Hình sự cần có thay đổi cho phù hợp, cụ thể là qui định cả pháp nhân cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng. Cũng theo ông Phương, Bộ luật quy định những hành vi vi phạm lần đầu dù mức độ có nghiêm trọng tới đâu cũng chỉ bị xử lý hành chính nên tính răn đe, phòng ngừa bị giảm. Đây cũng là một nội dung cần sửa đổi.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Môi trường là người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở để hạch toán các chi phí thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Tuy nhiên ở nước ta, vấn đề này vẫn chỉ “tồn tại trong luật” (khoản 4 điều 131 luật môi trường 2005) mà chưa được nghiên cứu, đánh giá.
Chỉ khi sự việc xảy ra rồi chúng ta mới tính đến, điển hình là vụ việc Vedan vừa qua. Qua vụ việc này chúng ta mới thấy công tác quản lý, kiểm toán chất thải đối với các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi xảy ra ô nhiễm. Khi chúng ta có số liệu đầy đủ và tính toán chính xác thì doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc lại hành vi xả thải của mình nếu không muốn bị trừng phạt về kinh tế.
Tại hội thảo này, PGS. Đinh Văn Sâm, một chuyên gia về hóa học của trường Đại học bách khoa hà Nội cho biết. Công nghệ mà Vedan sử dụng trong sản xuất bột ngọt là công nghệ thủy phân bằng axit HCL. Vì vậy mà Vedan có hẳn một nhà máy sản xuất Xút- Clo với công xuất 66.752 tấn Cl2/năm với đầu vào là 110.000 tấn NaCl/năm.
Nhiều năm qua ông đã nghiên cứu về Vedan và khẳng định rằng trong nước thải và dịch thải sau lên men của doanh nghiệp có chất thải nguy hại là các hợp chất cơ Clo hay còn gọi là POPs, một hợp chất nguy hại không khác gì chất độc da cam mà chúng ta đã phải gánh chịu trong suốt những năm sau chiến tranh đến nay.
Tuy nhiên trong các báo cáo trước đây chúng ta không đề cập đến thông số này. Đây là một hợp chất khó phát hiện ở nồng độ thấp, nhưng nó có khả năng tích lũy trong mô của động thực vật, theo qui luật khuếch đại sinh học về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới động vật và con người. Theo PGS Sâm, chính vì lý do này mà Vedan hết xin đổ thải ra biển không được lại xin lên đổ thải lên rừng cũng không được nên phải buộc xả thải trộm xuống sông Thị Vải.
Kết thúc buổi hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng ngoài các nội dung cần phải bổ sung và hoàn thiện luật môi trường, xây dựng phương pháp tính toán thiệt về môi trường khi có hành vi gây ô nhiễm. Một nội dung ông nhấn mạnh ở đây chính là việc xác định có hay không chất thải nguy hại POPs trong chất thải của Vedan.