ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science, tính phong phú đa dạng của cây cối rừng nhiệt đới có thể là kết quả tổng hợp của chiến lược thích nghi khéo léo của các loài để tự tìm ổ sinh thái cho mình, chứ không đơn thuần rằng chúng chỉ phân bố ngẫu nhiên.
Khi nghiên cứu đặc điểm của cây cối rừng Yasuni ở Ecuador, nhóm nghiên cứu đã tìm ra các bằng chứng ủng hộ lý thuyết “phân chia lãnh thổ”, trong đó tính đa dạng của hệ thực vật rừng được quyết định bởi khả năng thích nghi khéo léo của các loài. Kết quả nghiên cứu này đối lập với một lý thuyết mới là “lý thuyết quân bình” cho rằng quần thể cây phân bố hoàn toàn do ngẫu nhiên.
“Nếu lý thuyết quân bình đúng, chúng ta sẽ thấy các đặc điểm này phân bố ngẫu nhiên trong khắp khu rừng, nhưng không phải như vậy”, Giáo sư Renato Valencia, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Các đặc điểm ghi nhận được cho chúng ta manh mối quan trọng về chiến lược sinh tồn của mỗi loài trong rừng nhiệt đới. Có một điều thú vị mà chúng tôi nhận thấy, đó là các cây mọc cạnh nhau trong rừng có xu hướng kiếm sống khác với những người hàng xóm của chúng”, Kraft giải thích. “Đây là một kiểu sinh tồn phổ biến tại các quần thể kém đa dạng, nhưng khó mà tưởng tượng được trong một khu rừng vô cùng đa dạng như Yasuni.”
Các nhà khoa học cho biết họ sẽ tiếp tục nghiên cứu tại rừng Yasuni và các địa điểm khác để hiểu sâu hơn về các mô hình đa dạng sinh học trên thế giới.