ThienNhien.Net – Theo một báo cáo của FAO vào ngày 09/10/2008, ngành ngư nghiệp thế giới hiện đang chịu tổn thất khoảng 50 tỉ USD/năm. Nếu tính cả ba thập kỷ gần đây thì con số này tương đương GDP của nước Ý. Trong khi đó, 75% nguồn cung cấp cá trên thế giới đã bị rơi vào tình trạng khai thác quá mức hoặc cạn kiệt. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự thiếu và kém hiệu quả trong khâu quản lý.
Theo đó thì con số 50 tỉ USD mới chỉ là ước tính về mặt bảo tồn, nó chưa tính tới những tổn thất cho các lĩnh vực khác như du lịch biển, câu cá giải trí…Trong khi đó, thu nhập thực tế của ngư dân bị giảm xuống, ngành công nghiệp này không sinh lãi, những nguồn cung cấp cá bị phân tán và các khu vực khác của nền kinh tế phải chịu cả những tổn thất của ngành công nghiệp ốm yếu này.
Việc thành lập các đội tàu, triển khai những công nghệ khai thác ngày càng hiệu quả, sự gia tăng ô nhiễm và mất môi trường sống đã làm phân tán nguồn cung cấp cá trên thế giới. Khai thác cá ngoài khơi đã đình trệ trong hơn một thập kỷ vừa qua. Năng suất khai thác cá – tính bằng lượng cá trung bình mỗi ngư dân hay một tàu cá đánh bắt được – đã giảm xuống mặc dù người ta đã triển khai những công nghệ đánh bắt mới.
Theo như bản báo cáo thì phần lớn những tổn thất đó xảy ra theo hai hướng chính. Đầu tiên, nguồn cung cấp cá nghèo nàn đồng nghĩa với có ít cá để đánh bắt hơn, và do đó chi phí để tìm và bắt cá sẽ cao hơn thông thường. Thứ hai, sự vượt mức năng suất của các đội tàu có nghĩa là những lợi ích kinh tế của việc đánh bắt cá đang bị phung phí do đầu tư và chi phí hoạt động quá mức.
Thế nhưng theo nghiên cứu chung “Những tỉ đô la bị mất đi: Những minh chứng kinh tế để cải cách ngành ngư nghiệp” của Ngân hàng thế giới và PROFISH – một tổ chức chuyên về những sáng kiến chính sách vì một ngành công nghiệp đánh bắt bền vững – thì việc quản lý tốt việc khai thác thuỷ sản có thể biến hầu hết những tổn thất trên thành những lợi ích kinh tế bền vững cho hàng triệu ngư dân và những cộng đồng dân cư ven biển.
Theo Kieran Kelleher, trưởng nhóm Ngư nghiệp của ngân hàng thế giới: “Ngư nghiệp bền vững đòi hỏi ý chí chính trị để thay việc khai thác cá quá mức bằng sự quản lý có trách nhiệm. Bản báo cáo này không chỉ nêu ra vấn đề về những chiếc thuyền và con cá mà còn cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những tranh luận kinh tế phục vụ cho việc cải cách ngư nghiệp”.
Tăng cường những quyền ngư nghiệp có thể cung cấp những cách thức khai thác có hiệu quả kinh tế và có trách nhiệm với xã hội cho những ngư dân và những cộng đồng sống dựa vào khai thác thuỷ sản. Nên loại bỏ trợ cấp đối với việc tăng năng suất khai thác cá quá mức. Tăng sự minh bạch trong việc phân bổ những nguồn cá khai thác và nâng cao trách nhiệm giải trình về quản lý việc khai thác và đảm bảo nguồn cung cấp cá sẽ giúp cho việc chứng nhận khai thác cá có bền vững hay không.
Về mặt chính trị, những cải cách quản lý thường khó thực hiện, đặc biệt nếu như giảm bớt số lượng những tàu cá hay giảm số ngư dân; do đó quyền lợi và sinh kế của những ngư dân nên được đảm bảo trong bất kỳ quá trình cải cách nào.
Bản báo cáo dự tính hai xu hướng phục hồi. Đầu tiên, giảm số lần ra khơi khai thác cá có thể làm tăng năng suất, lợi nhuận và những lợi ích kinh tế ròng. Thứ hai, khôi phục lại nguồn cung cấp cá có thể làm tăng sản lượng bền vững và hạ giá thành.
Ragnar Arnason, một nhà kinh tế biển thuộc trường Đại học Iceland và là đồng tác giả của bản báo cáo này đã minh chứng trường hợp tiến hành thành công tại Iceland, New Zealand và nói rằng: “Củng cố những hệ thống quyền đánh bắt cá là cơ sở để giải quyết những vấn đề mà ngành này đang gặp phải.”
Tại Đông Nam Á, các tổ chức đã hỗ trợ củng cố những quyền sử dụng, tiếp cận hay sở hữu của ngư dân, thúc đẩy “nghề cá dựa trên các quyền” trong Nghị quyết của ASEAN về nghề cá bền vững phục vụ an ninh lương thực cho khu vực
Tại châu Phi, tuyên bố Abuja về nuôi trồng thuỷ sản và đánh bắt cá bền vững thông qua tại cuộc họp các nhà lãnh đạo đất nước NEPAD tại Nigeria vào năm 2005 cũng đã tán thành đề án này. Peru cũng đang có những động thái phát triển nghề cá theo hướng tiếp cận dựa trên các quyền, trong đó ngành cá phải trả chi phí ròng về an toàn xã hội cho ngư dân.
Thực hiện tốt những đề án này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Nó không chỉ khôi phục lại được những nguồn cung cấp cá mà còn nâng cao sinh kế, xuất khẩu, an toàn thực phẩm và tăng trưởng kinh tế. Các hoạt động khai thác cá ngoài khơi chỉ là một phần trong ngành công nghiệp khai thác thủy sản toàn cầu trị giá 400 tỉ đôla còn việc đánh bắt một cách hợp lý sẽ củng cố sự bền vững của nguồn cung cấp và lợi nhuận của quá trình chế biến và phân phối, cung cấp công ăn việc làm cho rất nhiều người dân.