ThienNhien.Net – 100 năm sau lần cuối cùng loài chim này được nhìn thấy trên hòn đảo hoang vắng Wetar của Indonesia, mới đây các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Bảo tồn Bồ câu của Vương quốc Anh lại phát hiện thấy bồ câu đất Wetar (<i>Gallicolumba hoedtii</i>) – một loài bồ câu có nguy cơ bị tuyệt chủng và ít được biết đến nhất trên thế giới.
Khi khảo sát cuộc sống của các loài chim trên hòn đảo rộng 360.000 ha này, các nhà khoa học của Hiệp hội Bảo tồn Bồ câu đã phát hiện ra đàn bồ câu đất Wetar đông nhất từ trước tới nay, khoảng 30 đến 40 con, đậu trên một cây vả.
Cũng trong chuyến thực tế này, các nhà khoa học đã tìm thấy 39 loài chim mới trên hòn đảo này, đồng thời phát hiện ra ở đây có khá nhiều bồ câu Hoàng đế Timor (Ducula cineracea) – một loài bồ câu khác cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng sống.
Trưởng đoàn khảo sát Colin Trainor nhận xét: “Đảo Wetar thật tuyệt vời. Có rất nhiều bồ câu, vẹt, và các loài chim muông khác sống tại đây. Riêng đối với bồ câu đất Wetar thì dường như hòn đảo này chính là thành trì của chúng.”
Nằm cạnh đảo Timor, Wetar là vùng đồi núi với 80% diện tích được rừng che phủ, trải dài từ rừng thường xanh nhiệt đới đến vùng rừng khô nhiệt đới, xavan Bạch đàn và rừng đồi. Đây là hòn đảo nguyên sơ bậc nhất tại Đông – Nam Á. Tuy vậy hòn đảo này cũng đang đối mặt với áp lực phát triển, trong đó người ta dự kiến làm một con đường tới những khu vực trước đây không thể đặt chân đến.
TS. Jonathan Walker, giám đốc Hiệp hội Bảo tồn Bồ câu nhận xét “Mặc dù chúng tôi chưa hoàn thành công tác thực địa và phân tích dữ liệu nhưng vẫn có thể khẳng định rằng đảo Wetar cần được ưu tiên bảo tồn hàng đầu trong khu vực”. Hiệp hội Bảo tồn họ Bồ câu cho biết họ sẽ thúc đẩy việc bảo tồn môi trường thiên nhiên hoang dã có một không hai trên hòn đảo này.