ThienNhien.Net – Thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào nước ta trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Số liệu thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài 8 tháng đầu năm 2008 đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều này chưa đảm bảo rằng chúng ta đang tăng trưởng tốt. Có thể nhận thấy điều này qua sự đầu tư ồ ạt vào các dự án sản xuất thép trong thời gian qua.
Năm 2008 đạt kỷ lục về đầu tư nước ngoài
Trong thời gian qua chúng ta đã có hàng loạt các “siêu dự án thép ra đời” trong đó phải kể đến dự án thép của tập đoàn Lion (Malaysia) liên doanh với Vinashin (Việt Nam) tại Cà Ná, Ninh Thuận với trị giá 9,8 tỷ USD, Tập đoàn Tata (Ấn Độ) và các đối tác Việt Nam với dự án khu liên hợp thép công suất 4,5 triệu tấn mỗi năm tại Hà Tĩnh với tổng trị giá 5 tỷ USD, dự án thép Tycoon Steel World Wide ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư 3 tỉ USD,…
Theo quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015, để đáp ứng nhu cầu trong nước Việt Nam chỉ cần sản xuất 15 – 18 triệu tấn thép/năm, tức là trong 10 năm nữa Việt Nam chỉ cần xây dựng từ 1 đến 2 khu liên hợp luyện thép là đủ. Trong khi đó chỉ mình “siêu dự án” thép Formosa -Sunco tại Vũng Áng, Hà Tĩnh đã có công suất 15 triệu tấn /năm. Việt Nam sẽ “bội thực thép” và thậm chí có thể phải tính đến chuyện xuất khẩu thép ra nước ngoài.
Không kiểm soát được công nghệ và tác động môi trường
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam trong số 5 siêu dự án về thép đã được cấp phép đầu tư chỉ có 1 dự án có sự tham gia của Việt Nam là dự án của Tổng Công ty thép Việt Nam liên doanh với Tập đoàn Tata (Ấn Độ), còn lại là các dự án 100% vốn của nước ngoài nên vai trò của nước chủ nhà đối với ngành công nghiệp quan trọng này sẽ không có.
Đối với các dự án 100% vốn nước ngoài chúng ta chỉ có thể quản lý được 2 nội dung đó là công nghệ và đánh giá tác động môi trường nhưng chúng ta không tham gia xây dựng dự án mà chỉ đánh giá, quản lý qua hồ sơ của nhà đầu tư. Trong khi đó, trình độ về công nghệ và đánh giá tác động môi trường của Việt Nam còn kém xa các nước bạn nên để thực hiện 2 nhiệm vụ giám sát về công nghệ và môi trường sẽ khó khả thi.
Trong thời gian tới nếu như chúng ta không có những điều chỉnh thích hợp thì Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải công nghiệp thép của thế giới. Theo các thông tin ban đầu thì giai đoạn 1 của các dự án này nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên công nghệ của Trung Quốc, hiện đã bị coi là lỗi thời và ngay bản thân trung Quốc đã buộc phải đóng cửa hàng loạt các nhà máy sử dụng các công nghệ cũ có công suất 2 – 3 triệu tấn/năm do áp lực của thế giới vì công nghệ này gây ô nhiễm cao.
Không những thế công nghiệp sản xuất thép đòi hòi tiêu tốn nhiều năng lượng như than, điện. Trong khi đó Việt Nam đang phải đối với tình trạng thiếu điện trong những năm tới. Để đổi phó với vấn đề này vừa qua Bộ chính trị đã thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân với công xuất 4000 MW tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, đây là tầm nhìn dài hạn, không thể tiến hành trong ngày một ngày hai.
Tại hôi thảo “ Xây dựng nhà máy điện hạt nhân – Ý kiến các nhà khoa học” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam ( VUSTA) tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2008, các nhà khoa học đã đưa ra những khuyến cáo cần tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân một cách thận trọng, phù hợp với nguồn lực trong nước để có thể quản lý và phát triển các nhà máy điện hạt nhân một cách an toàn và hiệu quả.
Thiết nghĩ trong lúc chúng ta phải cố gắng để có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng thì những dự án kiểu như “siêu dự án thép” cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Không những vậy, như đã trình bày ở trên đây là lĩnh vực tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm môi trường cao mà chúng ta chưa có đủ năng lực để giám sát về mặt công nghệ và môi trường. Nếu như chúng ta không thận trọng trong vấn đề này thì ô nhiễm môi trường là hậu quả chúng ta sẽ phải gánh chịu mà hiệu quả về kinh tế không thể bù đắp được.