ThienNhien.Net – Theo khảo sát của Cơ quan giám sát môi trường (EIA), chỉ riêng từ việc đốn hạ các cánh rừng nhiệt đới, buôn bán da và ngà các loài động vật hoang dã và các chất làm lạnh phá hủy tầng ozone, hàng năm các nhóm tội phạm đã thu về khoản lợi nhuận kếch xù khoảng 10 tỉ đôla. Siêu lợi nhuận khiến cho các hoạt động tội phạm môi trường ngày càng gia tăng, bất chấp các nỗ lực khống chế của các cơ quan đấu tranh chống tội phạm.
EIA tình nghi một số cá nhân có liên quan tới các hoạt động phá huỷ môi trường trên diện rộng này nhưng hiện nay chúng vẫn chưa bị bắt giữ. Đầu tiên phải kể tới Sansar Chand, người Ấn Độ. Theo cơ quan điều tra liên bang Ấn Độ thì hắn đã bán hơn 12.000 bộ da thú cho những kẻ buôn bán da động vật người Nepal trong đó có 400 tấm da hổ, 2000 tấm da báo có giá trị lên tới 10 triệu đôla tại các khu chợ mở ở Trung Quốc.
Tiếp theo là Abdul Rasyid, một thương nhân người Indonesia, tên này đã phủ nhận việc chặt các loại gỗ cứng trái phép như gỗ ramin và balau tại vườn quốc gia Tanjung Putting. Hắn có tên trong danh sách những kẻ tình nghi dính líu tới hoạt động buôn bán bất hợp pháp của chính phủ Indonesia, theo đó thì hắn đã tổ chức việc buôn bán gỗ trái phép, và một vài người có tiếng tại Singapore cũng dính dáng tới hoạt động này. Vụ kiện chống lại tên này đang bị đình trệ do thiếu bằng chứng.
Còn tại Zambia, tên Benson Nkunika đã thú nhận với tổ chức bảo vệ đời sống hoang dã của nước này là đã sử dụng nhiều loại súng khác nhau để săn trộm 38 con voi tại Vườn quốc gia South Langwa.
EIA tin rằng đang có một mạng lưới tội phạm môi trường hoạt động mạnh tại các nước đang phát triển, ngay cả trong vấn đề buôn bán ngà voi mặc dù thế giới đã áp dụng lệnh cấm buôn bán ngà voi từ năm 1989. Theo Mary Rice, giám đốc của EIA: “Trong số những hành vi phạm tội có tổ chức thì nạn buôn bán ngà voi đang tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó là việc buôn bán da các loài thú họ mèo và nạn đốn gỗ bất hợp pháp. Số vụ bắt giữ hiện nay đã vượt xa rất nhiều so với con số của những năm 1990”.
Các chuyên gia EIA nhận định lợi nhuận mà các nhóm kiếm được từ việc xâm hại tới môi trường mỗi năm lên tới hàng chục tỉ USD và con số này sẽ còn tăng hơn nữa. Một phần do các băng nhóm tội phạm đã thay đổi cách thức hoạt động, mở rộng lĩnh vực phạm tội.
Gần đây, việc buôn bán khí hydrochlorofluorocarbons (HCFCs), các hỗn hợp khí được sử dụng trong việc làm lạnh và hoá chất dạng phun vốn được coi là một nguyên nhân gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu, đang có xu hướng tăng. Tại Mỹ, loại khí này từng được coi là sẽ thay thế khí CFCs nhưng sau này đã bị cấm.