Bô-xít Đăk Nông: Còn quá nhiều câu hỏi!

ThienNhien.Net – Hội thảo khoa học “Tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác và chế biến quặng bô-xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ” do UBND tỉnh Đăk Nông phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức trong hai ngày 22 và 23/10 đã đặt ra nhiều câu hỏi cho siêu dự án này. Dư luận lại một lần nữa được nghe những cảnh báo những hậu quả tiềm tàng về xã hội và môi trường. Liệu những tiếng nói trách nhiệm này sẽ được cân nhắc như thế nào trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án?

Hơn 160 đại biểu đã tham dự hội thảo, bao gồm nhà khoa học thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và công nghệ khai khoáng thuộc các trường Đại học, Viện nghiên cứu; Đại diện của các cơ quan quản lý Trung ương từ Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương; lãnh đạo các cơ quan Đảng, Chính quyền và các sở ban ngành tại của các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của hơn 20 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và Địa phương.

Nhìn chung, các đại biểu đồng ý rằng bô-xít là tài nguyên khoáng sản chỉ có thể tái tạo sau hàng triệu năm. Việc khai thác quặng là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nói chung và của tỉnh Đăk Nông nói riêng. Tuy nhiên, khai thác bô-xít sẽ có ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cảnh quan môi trường, có thể tạo ra nhiều thay đổi nhanh đối với văn hóa và các giá trị cộng đồng truyền thống độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Với việc “bóc” đi lớp thảm thực vật và đảo lộn hệ thống cảnh quan để khai khoáng, những giá trị phi vật thể của không gian văn hóa Tây Nguyên liệu có còn được nguyên vẹn? Những giá trị này đã được hình thành trải qua rất nhiều thế hệ và gắn chặt với thiên nhiên, núi rừng hoang sơ, không dễ gì phục hồi lại được một khi đã mất đi.

Cái gánh “quá nặng” cho TKV!

Thực tế, bô-xít là ngành công nghiệp mới đối với Việt Nam. Bản thân TKV chưa có nhiều kinh nghiệm, cả lý thuyết lẫn thực hành, đặc biệt là qui trình công nghệ chuyên nghiệp xuyên suốt từ thăm dò, khai thác đến chế biến và điện phân  nguyên liệu quặng đến nhôm thành phẩm. Việc Thủ tướng thông qua Quyết định 167/2007/QĐ-TTg đặt lên vai TKV một trọng trách dường như vượt ngoài khả năng và thực lực của Tập đoàn. Nhiều nhà khoa học, lãnh đạo địa phương và thậm chí cả TKV cũng tỏ ra băn khoăn, trăn trở và lo lắng trước vấn đề này. Theo ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông: “Nếu công nghệ bô-xít phát triển mà không song hành với lợi ích của đồng bào, đến một lúc nào đó, đồng bào bị gạt ra khỏi lề của công nghiệp bô-xít  thì quả là đáng phải suy nghĩ. Nên bắt đầu bằng đánh giá môi trường tổng hợp trước khi tiến hành công nghiệp bô-xít tại tỉnh Đăk Nông, thử nghiệm thí điểm một công trình Nhân Cơ để có bài học và đúc rút cho tổng thể dự án. Bên cạnh đó, tỉnh cần kêu gọi sự tham gia khách quan của các chuyên gia khoa học đa ngành vào trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án”.  

Xử lý chất thải bùn đỏ từ quá trình tuyển quặng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo tính toán, để khai thác được 600.000 tấn/năm phải thải ra 1.800.000 tấn bùn đỏ và sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm đất, nước, không khí ở toàn khu vực Tây Nguyên. Giải pháp mà chuyên gia cao cấp của TKV đưa ra tại hội thảo là chở nước biển bằng cơ giới từ Bình Định vượt đèo lên Đăk Nông để khử pH của bùn đỏ đã tạo ra sự nghi ngờ của các đại biểu về tính khả thi của giải pháp này do sự thiếu logic trong lập luận và tính toán.

Ngay cả phương án kinh doanh bô-xít vẫn còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: TKV đang nhầm lẫn giữa một công nghệ lý thuyết hiện đại và một giải pháp xã hội chậm phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống đặc thù ở Tây Nguyên. Ông băn khoăn: Liệu công nghệ sẽ giúp Tây Nguyên cất cánh tung bay hay là nhấn chìm Tây Nguyên trong biển công trường hổn độn của rác thải công nghiệp? Đáng lo ngại là TKV chưa có được những lập luận mang tính khoa học trên cơ sở thực tiễn và khách quan trước siêu dự án bô-xít tại Đăk Nông.

Nha van Nguyen Ngoc
Nhà văn Nguyên Ngọc: “Đình chỉ để suy ngẫm lại là một quyết định khôn ngoan”.

Tiền hậu bất nhất

Đầu hội thảo, Tổng Giám đốc TKV Trần Xuân Hòa phát biểu: “TKV quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở đổi mới, năng động, hài hòa với những giải pháp tối ưu trong quản trị kinh doanh hiện đại, tái tạo giá trị tài nguyên sau khai thác, hoàn thổ an toàn”. Ông còn nhấn mạnh, TKV sẽ kiên quyết duy trì triết lý phát triển minh bạch, bình đẳng và đồng lợi ích, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia khoa học, nâng cao trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và tuân thủ các qui định của pháp luật.

Thực tế lại cho thấy rằng TKV chưa thực hiện được những điều đó ngay cả các bước đầu tiên theo quy định của pháp luật là tham vấn cộng đồng, niêm yết công khai những thiệt hại môi trường, ô nhiễm theo Nghị định 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Với một siêu dự án có quy mô ảnh hưởng đến nhiều người dân, vậy mà nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vẫn chưa được áp dụng.

Theo quy hoạch, trong khuôn viên khu Nhân Cơ sẽ có một nhà máy nhiệt điện công suất 30 Mw sử dụng nguồn than vận chuyển từ Quảng Ninh qua đường biển, sau đó chuyển về Đăk Nông theo quốc lộ 14. Mỗi ngày nhà máy này cần nguồn than khoảng 1000 tấn để sản xuất đủ lượng điện phục vụ việc xử lý quặng. Riêng việc vận chuyển than bằng đường bộ, mỗi ngày cần khoảng 40 chuyến xe loại trọng tải 25 tấn. Theo các nhà khoa học, quá trình này cũng sẽ phát sinh ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và những nguy cơ xã hội khác.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra tại hội thảo về chính những vấn đề của công trường cách hội trường vài chục cây số nhưng các chuyên gia cao cấp của TKV phải trả lời bằng cách viện dẫn những ví dụ trên thế giới vì thiếu kinh nghiệm về bô-xít. Những thắc mắc về giải pháp xử lý bùn đỏ lại được TKV hẹn trả lời vào một lần khác!

Cẩn tắc vô ưu

Các ý kiến phản biện của các nhà khoa học cho rằng trước khi tiến hành siêu dự án bô-xít ở Tây Nguyên, hàng loạt các công việc sau cần được tiến hành và công khai lấy ý kiến phản biện từ nhiều phía:

  • Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho toàn bộ quy hoạch phát triển bô-xít ở Tây Nguyên, bao gồm cả việc tính toán chi phí – lợi ích của chương trình.
  • Luận chứng chi tiết về công nghệ khai thác, đặc biệt là công nghệ xử lý bùn đỏ;
  • Luận chứng đánh giá tác động môi trường bao gồm tính toán việc ô nhiễm nguồn nước mặt, suy giảm nguồn nước ngầm, lan tỏa xuống hạ lưu các tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai và sông Serepok; sự suy giảm và giải pháp phục hồi đa dạng sinh học của thảm thực vật trên vùng đất Tây Nguyên; quy hoạch sử dụng đất và hoàn thổ sau khai thác;
  • Luận chứng đánh giá tác động đến mất cân bằng văn hóa bản địa trong giao thoa, đền bù tái định cư, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc bao gồm cả những giá trị phi vật chất; nguy cơ dịch bệnh của con người, gia súc, gia cầm trong vùng ảnh hưởng;
  • Luận chứng nâng cao dân trí thông qua đào tạo nghề và phát triển bền vững sinh kế cho cộng đồng.

Những vấn đề tranh luận giữa các nhà khoa học, các nhà kinh doanh, các nhà quản lý dù đồng tình hay phản đối đều thể hiện tình cảm, nỗi lo lắng về một Đăk Nông đang và sẽ chuyển mình trong chiến lược công nghiệp hóa bô-xít của tỉnh. Nỗi lo lớn nhất đó là sự an toàn liên thế hệ của đồng bào các dân tộc trên đất Đăk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.



THEO DÒNG SỰ KIỆN: