ThienNhien.Net – Các hệ sinh thái được tạo ra từ hàng nghìn năm trước đôi khi bị những thảm họa tự nhiên phá hủy. Gần đây nhất có thể kể đến trận động đất kinh hoàng ngày 12/05 vừa qua tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhưng theo các nhà sinh thái học, chỉ mất một vài thập kỷ để khôi phục chúng.
Trận động đất ngày 12/05 ở Tứ Xuyên đã làm hơn 69.000 người thiệt mạng. Những trận động đất nhẹ cũng làm sụt lở đất, bật rễ cây và phá huỷ các hệ sinh thái tự nhiên. Chính phủ không những phải xây dựng lại cơ sở hạ tầng, mà còn phải khôi phục các hệ sinh thái đã bị tàn phá.
Các nhóm thực vật phát triển theo một trong hai quá trình: thực vật trong môi trường khô và ẩm ướt. Những quá trình này đều tạo nên đất thông qua các quá trình lí-hóa-sinh học và cuối cùng tạo nên một hệ sinh thái vững chắc. Quá trình này cần rất nhiều thời gian có thể phải mất tới 2000 năm hoặc hơn nữa mới tạo được 1cm đất. Những hệ sinh thái trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất tại tỉnh Tứ xuyên có từ thời cổ xưa, và là kết quả của quá trình xerarch (là quá trình thay đổi diễn ra trong những môi trường sống khô như bờ đá, vách núi hoặc sa mạc) hay còn gọi là quá trình khô. Các hệ sinh thái này có thể tự thân phục hồi nhanh chóng khi có hạt giống, rễ cây và đất Và quá trình phục hồi lần thứ hai này chỉ mất vài chục năm chứ không đến hàng nghìn năm.
Thiên nhiên có thể hàn gắn chính nó, lịch sử đã chứng minh điều đó. Ngày 21/09/1999, trận động đất Chichi ở Đài Loan có cường độ 7,3 độ ritcher đã cướp đi sự sống của 2000 người, hệ sinh thái bị phá huỷ. Tuy nhiên đến tháng 11/2001, những khu vực đất dày xung quanh chân đồi đã được cỏ và bụi rậm bao phủ, cây cối và các loài thực vật khác bắt đầu mọc lên từ những đường nứt trên các phiến đá.
Chính quyền địa phương đã quyết định để chính thiên nhiên thực hiện tiến trình của nó. Một vài toà nhà bị ảnh hưởng nặng thậm chí còn được để lại như một đài tưởng niệm và tại đây một bảo tàng đã được xây dựng như một trung tâm nghiên cứu và giáo dục.
Còn rất nhiều ví dụ khác về những hệ sinh thái bị phá huỷ đã được hàn gắn một cách tự nhiên, 45 năm trước đây ở Hồng kông, một nông trại trên sườn đồi sau khi ngừng hoạt động đã được bao phủ bởi một khu rừng rậm rạp. Trước thềm thế kỷ 20, một thị trấn đông dân ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, do khó khăn về giao thông đã bị bỏ không để rồi sau đó cây cối mọc lên một cách tự nhiên , biến nơi này thành một cánh rừng.
Hiện nay, nó đã trở thành một phần của Khu bảo tồn thiên nhiên Foping, nơi có những cây cối mà đường kính lên tới nửa mét và gấu trúc ăn uống thoả thuê trên những cây tre màu mỡ. Một khu vực thuộc vùng núi tỉnh Sơn Tây, sau khi bị rào quanh 5 năm, cây cỏ dại đã bao phủ, giúp giảm 5,8% chi phí ngân sách nhằm tạo ra một khu rừng nhân tạo giúp ngăn chặn sự xói mòn, sụt lở đất, cải thiện khí hậu địa phương và bảo vệ đa dạng sinh học.
Khi một hệ sinh thái chưa từng bị đẩy đến những giới hạn nhất định trong quá khứ, nó có khả năng tự thân phục hồi. Do đó, thay vì những nỗ lực nhằm khôi phục hệ sinh thái con người có thể tác động vào việc thay đổi thói quen của những đàn vật nuôi, nâng cao năng suất sử dụng đất và tạo ra nhiều cơ hội hơn để chính tự nhiên “chăm sóc” hệ sinh thái.
Bên cạnh công việc của tự nhiên, chính quyền nên tạo ra những khu bảo tồn thiên nhiên mẫu cho việc khôi phục các hệ sinh thái bị phá huỷ. Dự án đầu tiên nên dành thiết lập khu bảo tồn thiên nhiên bị ảnh hưởng bởi động đất, một kế hoạch hứa hẹn đem lại những hy vọng lớn cho chính tự nhiên và con người.