ThienNhien.Net – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 112/2008/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Theo đó, việc khai thác, sử dụng các hồ chứa phải bảo đảm an toàn và đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra trên lưu vực và hạ du hồ chứa.
Trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ nghiêm cấm các hoạt động: gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường, làm biến dạng địa hình, làm mất cảnh quan môi trường hồ chứa; hủy hoại hoặc làm hư hỏng các công trình liên quan của hồ chứa; lấn chiếm, xây dựng mới các công trình, nhà ở không theo quy hoạch; đổ chất thải rắn, nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường vào hồ chứa; khai thác các loại thủy sinh hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đang cư trú trong vùng hồ, xâm hại nghiêm trọng đến hệ động, thực vật vùng hồ.
Nghị định cũng nêu rõ, chủ đập, hồ chứa có trách nhiệm bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý bảo vệ. Trường hợp hành lang bảo vệ hồ chứa, lòng hồ bị lấn chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý theo quy định.
Các hoạt động trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ như: xây dựng công trình mới; xả nước thải vào nguồn các hồ chứa; khoan, đào điều tra, khảo sát địa chất…; trồng cây lâu năm; thể thao, du lịch; xây dựng kho bãi, cảng bến hàng hóa… chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý bằng văn bản của chủ đập và giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành.
Chính phủ thống nhất quản lý tài nguyên và môi trường các hồ chứa trong phạm vi cả nước. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước hồ chứa để phát điện, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp… phải trả tiền sử dụng nước, thuế tài nguyên theo quy định hiện hành.