ThienNhien.Net – Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã (TRAFFIC) vừa công bố một bản báo cáo nghiên cứu, khảo sát những nhân tố có ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là đối với các hoạt động buôn bán trái phép.
Nghiên cứu này được thực hiện với sự hỗ trợ của hơn 80 chuyên gia về lĩnh vực buôn bán động vật hoang dã ở 4 nước Đông Nam Á gồm: Campuchia, In-đô-nê-xi-a, Lào và Việt Nam. Các chuyên gia này bao gồm các cá nhân đang làm việc trong các tổ chức bảo tồn, các thành viên chính phủ và các nhà nghiên cứu độc lập.
Tony Whitten, chuyên gia cao cấp về Đa dạng sinh học của WB tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương khi được hỏi về lý do thực hiện nghiên cứu này đã cho biết: “Hiểu biết về những nhân tố có ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã là yếu tố tiên quyết để hạn chế các hoạt động buôn bán trái phép và biến các hoạt động buôn bán không bền vững thành các hoạt động buôn bán bền vững”.
Trong nghiên cứu này, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng: động cơ chính dẫn đến tình trạng buôn bán động vật hoang dã diễn ra một cách mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á là nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng ở các nước Châu Á chứ không phải do tình trạng đói nghèo của người dân ở khu vực này. Nhu cầu tăng đã đẩy giá của các sản phẩm từ động vật hoang dã lên cao, khiến cho nhiều người sẵn sàng liều mạng để thực hiện các phi vụ buôn bán trái phép.
Steven Broad, Giám đốc hành chính của TRAFFIC cho biết: “Một vấn đề quan trọng nổi lên từ nghiên cứu này là trong khi đã có một Công ước quy định rõ ràng về vấn đề buôn bán động vật hoang dã nhưng vẫn có rất nhiều loài động vật hoang dã đang suy giảm số lượng một cách trầm trọng do bị săn bắt và buôn bán trái phép. Và cho đến nay, ở các nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn hầu như không thể có biện pháp nào thực sự hiệu quả để hạn chế vấn đề này”.
Rất nhiều biện pháp vốn được xem là có hiệu quả cao đã được sử dụng như: kiểm soát hoạt động buôn bán, tăng cường nhận thức cho người tiêu dùng về các hậu quả của việc buôn bán động vật hoang dã trái phép, và tạo ra các nguồn thu nhập thay thế để người dân bớt phụ thuộc vào việc buôn bán động vật hoang dã… Nhưng nếu các biện pháp này chỉ được thực hiện một cách đơn lẻ, rời rạc thì sẽ không mang lại hiệu quả.
Các chuyên gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các quy định có hiệu lực pháp lý cao để kiểm soát hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Các quy phạm pháp luật, chính sách quản lý phải được kết hợp một cách đồng bộ với các giải pháp kỹ thuật thì mới có thể đem lại hiệu quả cao.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, các nước trong khu vực có thể sử dụng các biện pháp như hỗ trợ người dân địa phương thông qua các chính sách đảm bảo quyền sở hữu và quản lý cho người dân, các phương thức truyền thống và các biện pháp dựa trên các quy luật kinh tế, thị trường. Đây là những biện pháp đem lại hiệu quả cao nhưng lại ít được chú ý trong thời gian vừa qua.
Ông Broad kết luận: “Làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã là một vấn đề phức tạp”. Và “nghiên cứu này sẽ là một tư liệu hỗ trợ quý giá cho công tác bảo tồn ở khu vực Đông Nam Á, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép diễn ra tràn lan như hiện nay”.