ThienNhien.Net – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang khẳng định Việt Nam có đủ năng lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân và kế hoạch hoàn thành lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vào năm 2020 là “vô cùng quan trọng” trong bối cảnh thiếu điện hiện nay.
Phát triển điện hạt nhân cần bước đi thận trọng
Xung quanh vấn đề đang gây nhiều tranh cãi này, trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XII đang diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Vang quả quyết rằng chỉ cần khoảng thời gian 32 tháng là đủ để đào tạo một đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này.
Theo một dự thảo đang được Bộ Công Thương hoàn thành để trình Quốc hội, Việt Nam sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh duyên hải Nam Trung bộ Ninh Thuận, với 4 lò phản ứng công suất 1.000 MW mỗi lò.
Dự kiến, đến năm 2020, tổ máy đầu tiên được đưa vào vận hành sẽ cung cấp khoảng 1% tổng lượng điện tiêu thụ trong cả nước và đến khi hoàn thành toàn bộ, 2 nhà máy này sẽ cung cấp lượng điện tăng dần, từ 6% tổng lượng điện cả nước vào năm 2030 lên 20-25% vào năm 2050.
Ủng hộ đề án này, nhiều chuyên gia về năng lượng nguyên tử cho rằng việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam là hợp lý trong bối cảnh điện hạt nhân đang trở thành giải pháp thích hợp để thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giảm tải phát thải khí ô nhiễm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý đến việc phát triển nguồn nhân lực, xử lý chất thải hạt nhân, bảo vệ môi trường và an toàn bức xạ. Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, trước tiên chỉ nên khởi động một lò và tận dụng “trường học thực tiễn” này để tiếp tục hoàn thiện đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng, pháp luật về năng lượng hạt nhân.
Đồng quan điểm này, giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa khọc và Công nghệ cũng khẳng định sự cần thiết sản xuất điện hạt nhân ở Việt Nam nhưng phải có thời gian để hoàn thiện hơn về nhân lực, tiềm lực công nghệ và năng lực quản lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang bảo vệ quan điểm về sự cần thiết của đề án khi dẫn ra con số nhu cầu tăng trưởng năng lượng khoảng 17%/năm hiện nay của cả nước và thực tế chỉ sản xuất được 13-14%, tức là mỗi năm thiếu khoảng 3-4%.
Ông Vang cho biết thêm, trong quá trình thẩm tra vấn đề điện hạt nhân, Quốc hội thấy rằng khi các nguồn thủy điện, nhiệt điện thiếu hụt thì giải pháp này không chỉ cung cấp điện giá thấp, chỉ bằng khoảng 60-65% so với các giải pháp khác, mà còn hạn chế tác động về môi trường.
Nhằm đáp ứng nhân lực cho lĩnh vực này, bắt đầu từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tuyển sinh chuyên ngành điện hạt nhân. Hiện Bộ này đang xây dựng đề án và chọn các trường phù hợp để mở khoa đào tạo chuyên ngành này.
Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện sản xuất ở Việt Nam đến năm 2020 vào khoảng 294 tỷ kWh và đến năm 2030 khoảng 562 tỷ kWh. Trong khi đó, khả năng cung cấp nhiên liệu từ các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện năng chỉ đáp ứng được khoảng 230 tỷ kWh vào năm 2020 và 293 tỷ kWh vào năm 2030.