ThienNhien.Net – Thương mại công bằng là một hướng đi tất yếu trong tiến trình toàn cầu hóa. Nó không những mang lại quyền lợi về kinh tế cho những người sản xuất mà nó còn là điều kiện thúc đẩy quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.
Đã từ lâu, việc kinh doanh các hàng nông sản vẫn được áp dụng theo phương thức thương mại tự do “mua rẻ, bán đắt”, lợi nhuận chỉ vào tay một số người, chủ yếu là giới tư thương, còn lại đa số nông dân – người trực tiếp làm ra các sản phẩm đó và người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi.
Không những thế, khi người sản xuất tăng cường sử dụng các loại hoá chất bảo vệ thực vật để năng suất cao hơn, doanh thu lớn hơn thì không những người sản xuất và người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà “sức khỏe môi trường” cũng bị tổn hại.
Vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để giá nông sản cao hơn, ổn định hơn, không có hoá chất độc hại, người sản xuất được nâng cao năng lực và bảo vệ sức khoẻ, người tiêu được mua những sản phẩm chất lượng cao và có cơ hội được mua bán theo những nguyên tắc và giá trị của mình, xây dựng môi trường bền vững? Đó là những gì mà thương mại công bằng (fairtrade) hướng đến.
Thương mại công bằng – sự tôn trọng con người và thiên nhiên
Thương mại công bằng là một phong trào xã hội có tổ chức để người nông dân được trả công xứng đáng với thành quả lao động của họ, và đảm bảo để họ được sống trong một môi trường cân bằng, lành mạnh.
Thương mại công bằng thực chất là sự hợp tác đặt trên nền tảng đối thoại, minh bạch, sự tôn trọng đối với con người và môi trường tự nhiên. Thương mại công bằng góp phần vào sự phát triển bền vững bằng cách đề ra những điều kiện thương mại lành mạnh hơn và bảo đảm quyền lợi của các nhà sản xuất và công nhân.
Người nông dân và hộ sản xuất nhỏ được nâng cao năng lực (kỹ thuật sản xuất, kỹ năng làm việc theo nhóm…), được khách hàng trả thêm tiền phúc lợi xã hội, sức khoẻ được đảm bảo; người mua có cơ hội được mua bán theo những nguyên tắc và giá trị của mình, được tham gia như là người tìm kiếm các giải pháp cho sự bất công bằng cho thương mại toàn cầu, được mua những sản phẩm có chất lượng cao.
Hiện nay, thương mại công bằng tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng: dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản (cà phê, cocoa, chè, chuối…), gia vị, hoa cây cảnh.
Thương mại công bằng ở Việt Nam, bao giờ?
Fairtrade Labelling Organizations International (FLO) là tổ chức quốc tế về thương mại công bằng, tổ chức này chứng thực nhãn hiệu quốc tế bảo đảm rằng mọi sản phẩm mang nhãn hiệu “Fairtrade” này, cho dù bán ở đâu, cũng đều đáp ứng các tiêu chuẩn của tổ chức này.
FLO hoạt động từ hơn 40 năm qua, bắt đầu từ một liên kết giữa một số nhà nhập khẩu và bán lẻ không vụ lợi ở các nước phát triển với các nhà sản xuất nông sản qui mô nhỏ ở các nước đang phát triển, nhằm chống lại sự ép giá bởi các tầng lớp trung gian, bảo vệ quyền lợi của nông dân.
Cho đến nay, FLO đảm trách việc chứng thực nông sản cho người nông dân. Tới đây, FLO sẽ tiến đến chứng thực chất lượng hàng công nghiệp. Hiện tại việc chứng thực này do một công ty trách nhiệm hữu hạn mang tên là “FLO-Cert Ltd” đảm trách để đảm bảo tính minh bạch, bởi lẽ thị trường có thể hồ nghi tính khách quan của một tổ chức.
Bằng cách chứng thực chất lượng đó và với mạng lưới của mình tại 50 quốc gia, FLO có đủ tư cách để bảo vệ người nông dân nghèo, vốn không tiếp cận được với thông tin thị trường, khỏi bị ép giá, việc thu mua được đảm bảo theo một giá sàn tối thiểu bất kể thời vụ thu hoạch được mất, nhiều ít ra sao.
Có hai loại tiêu chuẩn chứng thực “Fairtrade”. Chứng thực đầu tiên dành cho các tiểu nông tập hợp thành hợp tác xã hay một cơ cấu tổ chức nào khác, tham gia một cách dân chủ. Chứng thực thứ nhì dành cho công nhân nông trường hay trong các nhà máy chế biến, được chủ nhân trả lương “đàng hoàng”, được cung cấp chỗ ở, được gia nhập các đoàn thể nghề nghiệp, được đảm bảo y tế, an toàn lao động, làm việc trong môi trường đáp ứng các chuẩn qui định.
Đổi lại, với chứng thực này của Fairtrade, giới doanh nghiệp mua bán nông sản sẽ phải trả một giá đủ để bù đắp các chi phí sản xuất cũng như cuộc sống, chi một khoản tiền thưởng khuyến khích nông dân đầu tư, nếu cần có thể tạm ứng cho nông dân, và cuối cùng là ký hợp đồng dài hạn với nông dân.
Hiện ở Việt Nam, các tiêu chuẩn của FLO đã bước đầu nhận được sự quan tâm. Cty TNHH Hiệp Thành và Cty ECOLINK trong thời gian qua đã định hướng cho người trồng chè sản xuất chè hữu cơ và tiêu thụ thông qua kênh phân phối FLO. Hai doanh nghiệp này đang tiếp tục tạo các mô hình cho chè IPM và cam kết bao tiêu tại các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang và Gia Lai.
Tại Hà Nội cũng đã có một doanh nghiệp trở thành thành viên của FLO, đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thị trường Quốc tế (MDI Jsc), cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm đặt tại 100A Xuân Diệu. Hiện nay, công ty đang kinh doanh 3 mặt hàng nông sản chủ yếu là chè, cà phê và hạt điều – các sản phẩm đều được dán nhãn Thương mại công bằng.
Ngoài ra, sản phẩm chè Tân Cương, Thái Nguyên của Công ty cũng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu. Bên cạnh việc thu mua và bán sản phẩm của các nhóm nông dân đã được chứng nhận của FLO (chè Tân Cương – Thái Nguyên, hạt điều Đức Phú – Bình Thuận), Công ty cũng đang giúp đỡ các nhóm nông dân (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) ở các địa phương khác đăng ký tham gia nhóm sản xuất theo tiêu chuẩn Thương mại công bằng: chè Shan Tả Lèng (dân tộc H’Mông, dân tộc Dao – Tam Đường, Lai Châu), chè Shan Nậm Khắt, Púng Luông (dân tộc H’Mông – Mù Cang Chải, Yên Bái), cà phê Chiềng Đen, Chiềng Cọ (dân tộc Thái – Sơn La), điều Tiến Hưng (Đồng Xoài – Bình Phước). Đây là một hình thức kinh doanh mới và “khá mạo hiểm” ở Việt Nam, nhưng bền vững vì loại hình này có tiềm năng rất lớn trên thị trường thế giới.
Giấc mơ một nền thương mại công bằng sẽ không quá xa vời nếu chính các doanh nghiệp biết coi trọng lợi ích của người nông dân, tạo ra sự công bằng trong sản xuất, chế biến nông sản. Hy vọng, một ngày không xa, người nông dân Việt Nam không phải chịu những mùa thu hoạch “đắng”.