ThienNhien.Net – Sáng 14/10/2008 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Xây dựng nhà máy điện nguyên tử – ý kiến các nhà khoa học” do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức. Tại đây các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện dự án này.
Tại hội thảo các nhà khoa học cho rằng việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) là một tất yếu trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước bởi các nguồn năng lượng khác như năng lượng tái tạo, năng lượng hóa thạch về trước mắt cũng như lâu dài không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử không giống như các dự án “ngẫu hứng” theo kiểu xây dựng đường tàu cao tốc hoặc như dự án xây dựng sân bay quốc tế trên một hòn đảo nào đó như chúng ta đã đề cập trước đây. Mặc dù trên thế giới ĐHN đã được phát triển từ rất lâu song đối với chúng ta thì đó lại là điều hoàn toàn mới mẻ. Thậm chí chúng ta còn yếu và thiếu không những về nguồn lực kinh tế mà cả nguồn lực con người.
Theo nghiên cứu của Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy, nhu cầu điện của nước ta đang tăng 17% mỗi năm trong 3 năm gần đây. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ nhanh chóng bị thiếu điện, và đến giai đoạn 2017-2020 sẽ cần có nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu. Theo lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được xây dựng tại xã Phước Dinh – Ninh Phước – Ninh thuận. Hiện tại Bộ Công nghiệp đang dự thảo kế hoạch trình Quốc Hội xây dựng gần như đồng thời 2 nhà máy cạnh nhau với 4 lò phản ứng, mỗi lò có công xuất 1000 MW. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 11.000 MW điện hạt nhân. |
“Có nên chăng xây dựng cùng một lúc 4 lò phản ứng với công suất 1000 MW mỗi lò” là nội dung các ý kiến tham luận đề cập nhiều nhất tại cuộc hội thảo này. Trung Quốc, quốc gia cũng đã phát triển điện hạt nhân từ năm 1991 với công suất “khiêm tốn” 300MW và phải đến 17 năm sau tại cụm công nghiệp hạt nhân này mới đạt công xuất 2800MW và cũng sau 17 năm đó ĐHN mới chỉ chiếm 2%.
Tại Ấn Độ, quốc gia có ĐHN sớm hơn Trung Quốc, họ đã nội địa hóa thành công lò nước nặng PHWR 220 MW từ những năm tám mươi . Từ đó đã đặt ra một mục tiêu hoành tráng là đạt 10.000 MW trước năm 2000. Tuy nhiên cho đến trước thềm thế ký 21, quốc gia này vẫn chưa đạt được 15% mục tiêu đề ra.
Phát triển ĐHN là nhu cầu tất yếu, xong hiện tại tiềm lực hạt nhân của Việt nam hiện tại chưa có gì, số người am hiểu về lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay và thậm chí năng lực nghiên cứu chuyên ngành về ĐHN chưa hề có. Do vậy “Phát triển ĐHN mà không nghĩ đến thách thức này có nghĩa là phó thác cho người nước ngoài quyết định mọi chuyện”. Đó là điều không thể chấp nhận đối với một lĩnh vực đặc thù và mang các nguy cơ tiềm ẩn như ĐHN – Đó là lời nhận xét của một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực ĐHN của thế giới.
Theo TS. Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt, cũng như nhiều ý kiến khác tại hội nghị đều nhất trí cho rằng, trước mắt chúng ta chỉ nên khởi động một lò 1000 MW và coi đó là một trường học để đào tạo đội ngũ chuyên gia, hoàn thiện cơ chế quản lý, học cách thực thi pháp luật hạt nhân. Những bài học từ bước khởi đầu này là nền tảng vững chắc cho các bước đi tiếp theo.
Tuy nhiên để làm được điều này thì chúng ta cũng phải thực hiện hàng loạt các biện pháp song song nhằm giảm áp lực thiếu điện khi từng bước phát triển ĐHN. Các nội dung thảo luận về vấn đề này bao gồm: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.