Biến đổi khí hậu: Một chuyến tàu tốc hành

ThienNhien.Net – "Thế giới đang phải đương đầu với 3 sức ép lớn về biến đổi khí hậu (BĐKH), năng lượng và lương thực. Khi tôi còn nhỏ, băng tan ít thôi nhưng giờ đã khác – trung bình một năm có 2km băng tan. Điều đó chứng tỏ BĐKH đã đến sớm hơn những gì ta tưởng, nó như một đoàn tàu tốc hành đang lao đến rất nhanh phía bên kia góc đường" – Theo Peter Goldmark, Giám đốc Chương trình Khí hậu và Khí quyển, Quỹ Bảo vệ Môi trường Mỹ (Environmental Defense Fund).

Hội thảo “Biến đổi khí hậu: Sáng kiến trong hợp tác nhà nước – tư nhân với bối cảnh biến động của nền kinh tế toàn cầu” diễn ra vào ngày 14 và15/10 tại Hà Nội với sự góp mặt đông đảo của các chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo trong và ngoài nước.

Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học, trong vòng 200 năm qua, lượng thải CO2 đã tăng từ 270ppm lên 372ppm; CH4 tăng từ 800ppm lên 1750ppm và NOx tăng từ 270ppm lên 310ppm. Nhiệt độ đã tăng 0,80C vào thế kỷ trước (thế kỷ 20). Theo tính toán, mực nước biển sẽ tăng 28 – 69cm vào năm 2070 và 70 – 100cm vào năm 2100; theo đó những vùng bị chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của BĐKH là Bắc Cực, Châu Phi, các đảo nhỏ và các châu thổ lớn tại châu Á.

Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á được dự báo là chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mực nước biển dâng lên do tình trạng biến đổi khí hậu. Dọc bờ biển và khu vực sông Mê Kông có thể bị lụt, dân cư phải di chuyển chỗ ở và tổng thu nhập quốc dân bị ảnh hưởng. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nói: “Hai thập kỷ trước BĐKH còn là những gì xa vời và người ta không quan tâm đến nó nhưng ngày nay nó đã trở thành một vấn đề nóng bỏng và đòi hỏi sự quan tâm của tất các nhóm người khác nhau tại các quốc gia trên thế giới”.

Người ta đã từng tranh cãi về nguyên nhân và ảnh hưởng của BĐKH. Các quốc gia nghèo đổ lỗi cho những nước phát triển về sự thải khí gây nhà kính. Nhưng BĐKH không loại trừ bất kể nhóm người hay quốc gia nào trên thế giới, nó thực sự tác động mạnh mẽ đến tất cả chúng ta. Peter Goldmark đã gọi BĐKH như một con tàu tốc hành đang lao đến gần ở bên kia góc đường – tốc độ rất nhanh nhưng không phải ai cũng nhìn thấy.

 

Peter Goldmark  – Giám đốc của Chương trình Khí hậu và Khí quyển, Quỹ Bảo vệ Môi trường. Ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức nhà nước và tư nhân tại Mỹ. (Nguồn: Environment Defense Fund )

Rất nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm làm giảm tác động của BĐKH như sử dụng công nghệ sạch, tài chính các-bon, năng lượng tái tạo và tái trồng rừng.

Peter Goldmark cho rằng chúng ta cần cố gắng loại các-bon ra khỏi các hoạt động kinh tế (nền kinh tế ít các-bon) nếu không muốn chứng kiến một tương lai ảm đảm. Nhà nước cần hoạch định những chính sách và thực thi nó một cách hiệu quả, hợp lý.

Các khối doanh nghiệp, công ty tư nhân cần hỗ trợ chung tay với nhà nước trong công cuộc đối phó và thích ứng với BĐKH thông qua quá trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm hơn và thân thiện với môi trường hơn. Tại bang Califoria (Mỹ) đã có nhiều đạo luật và chính sách thực hiện, áp dụng hệ thống thương mại hóa lượng khí thải cắt giảm (quota gây ô nhiễm) một cách có hiệu quả. Nhiều nơi ở Trung Quốc cũng đang áp dụng thành công loại hình thương mại này.

Ông đã nhận định rằng: “Sự thịnh vượng là cái được tạo ra và mất đi tùy thuộc vào cách hiểu biết về tương lai sẽ đem lại gì. Và sự thịnh vượng bao gồm cả cái ta tạo ra và làm mất đi dưới góc độ: BĐKH, chuyển đổi hệ thống sử dụng năng lượng sang hiệu quả cao và ít các-bon hơn”.