ThienNhien.Net – "Giống như bao người, tôi đã từng nghĩ việc thích nghi với những thay đổi sẽ loại trừ các nỗ lực của chúng ta trong việc bảo vệ môi trường. Nhưng nay tôi đã thay đổi ý kiến. Các nước nghèo rất dễ bị tổn thương và cần sự giúp đỡ của chúng ta" – trích lời Cựu phó tổng thống Mỹ, ông Al Gore, người từng được trao giải Nobel Hoà bình năm 2007.
Trong nhiều năm qua, quan điểm của các nhà môi trường về những nỗ lực nhằm thích nghi thay vì ngăn chặn vấn đề biến đổi khí hậu giống như thảm họa đối với con tàu huyền thoại Titanic. Tuy nhiên vào tháng 07/2008, Uỷ ban Thượng nghị viện Mỹ đã chi 20 triệu USD cho các kế hoạch và hành động nhằm nỗ lực thích nghi với sự biến đổi khí hậu quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên mà chính quyền Mỹ sẵn lòng hỗ trợ tài chính cho các mục đích về thích ứng với biến đổi khí hậu trên tòan cầu. Vào tháng 6 vừa rồi thì Liên Hợp Quốc cũng đã hoạch định kế hoạch chi tiết nhằm quản lý ngân sách có nguồn vốn thu được từ việc áp dụng lần đầu tiên thuế carbon cho vấn đề này.
Nguyên nhân nào khiến các nhà chức trách có liên quan thay đổi nhận thức, quan điểm về biến đổi khí hậu? Thứ nhất là quá trình ấm lên của trái đất đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến và những hậu quả mà nó đang gây ra ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Thứ hai, có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu tác động mạnh nhất lên hai nhóm người: người nghèo nhất và nhóm cư dân sống ở trên các đảo, bao gồm khoảng 1 tỷ người thuộc 100 quốc gia.
TheoTony Nyong, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Nairobi, người dân ở nước nghèo coi việc trái đất ấm lên là vấn đề của các nước phương Tây nghĩa là người giàu đã gây ra điều đó và sẽ phải giải quyết. Tuy nhiên, hiện tượng ấm lên của trái đất đang ảnh hưởng trước tiên tới phần lớn lợi ích của người nghèo: đất nông nghiệp trở nên khô hạn, rừng nhiệt đới, sinh kế dựa vào nghề đánh bắt cá đều bị suy giảm về chất lượng và số lượng.
Trong một báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), ông Robert Mendelsohn thuộc trường đại học Yale ước tính khi nhiệt độ trái đất tăng thêm 1ºC thì ở châu Phi, mỗi năm người nông dân sẽ thiệt hại 28 USD cho mỗi hecta đất. Nhiệt độ trái đất tăng còn gây xói mòn đường bờ biển, lây lan các dịch bệnh cũng như làm gia tăng các hiện tượng thời tiết thất thường.
Điểm chung của những nạn nhân chịu tác động của hiện tượng nóng lên tòan cầu là họ quá nghèo để tự bảo vệ mình bằng các biện pháp ngăn bão lụt đắt tiền hoặc các chương trình y tế cộng đồng chi phí cao. Giáo sư Kirk Smith thuộc trường đại học Berkeley (bang California) gọi sự biến đổi khí hậu là “loại thuế bất công nhất thế giới” bởi người nghèo nhất phải trả tiền cho hoạt động của người giàu.
Mối quan tâm mới về vấn đề thích ứng khí hậu phần nào được thể hiện qua một số lớn các dự án cá nhân và cộng đồng. New Forests, một công ty tư nhân Úc đã tiến hành phục hồi môi trường bị tàn phá ở Đông Nam Á, họ cấp “những chứng chỉ bảo tồn đa dạng sinh học” và bán chúng cho các nhà máy, công ty lớn muốn hoạt động “sạch” hơn.
Swiss Re đang lập ra một số loại hình bảo hiểm phụ cấp mới giúp nông dân nghèo ở 12 nước châu Phi chống lại những tác động của biến đổi khí hậu, … Nhiều nhà máy nhỏ yêu cầu các nhà máy lớn cắt giảm lượng khí thải, tuy nhiên phần lớn các nỗ lực mới chỉ tập trung vào việc giảm lượng khí thải hơn là đầu tư vào các dự án tái trồng rừng hay bảo vệ đất…
Mặt khác, các nước giàu đang áp dụng một số loại thuế mới và sử dụng số tiền thu được cho việc xoá đói giảm nghèo và thích ứng với điều kiện môi trường mới. Chính phủ Pháp áp dụng mức thuế từ 1EUR cho đến 40 EUR với mỗi hành khách trên các chuyến bay quốc tế, và số tiền này được tài trợ cho chương trình điều trị bệnh HIV/AIDS ở châu Phi. Một số nhà môi trường cũng mong muốn các chuyến bay quốc tế cũng áp dụng hình thức thuế tương tự để hỗ trợ cho vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các nước cũng gây quỹ bằng việc đấu thầu giấy phép hoạt động của các nhà máy theo hạn ngạch ô nhiễm cho phép. Liên minh Châu Âu sẽ hỗ trợ 1/5 số tiền trong kế hoạch thương mại khí thải, dự tính trị giá trên 2 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020, cho vấn đề biến đổi khí hậu trong đó bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu của các nước đang phát triển.
Trong năm nay, tại Mỹ một dự thảo luật đã được trình lên Thượng nghị viện Mỹ yêu cầu hỗ trợ cho vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu từ 10 tỷ USD đến 20 tỷ USD mỗi năm sau năm 2025. Tuy dự thảo luật không được thông qua nhưng có nhiều nội dung đã nhận được sự ủng hộ của những nhà cầm quyền.
Điều quan trọng nhất vào thời điểm này là hội nghị Liên Hiệp Quốc ở Bali vào tháng 12 năm ngoái đã thiết lập được khung thuế carbon toàn cầu. Nghị định thư Kyoto cho phép các công ty ở những nước giàu đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải thông qua việc đầu tư vào các dự án giảm thiểu khí carbon của các công ty tư nhân ở nước đang phát triển. Hoạt động giao dịch giữa các công ty này tạo ra thị trường thương mại carbon. Vào tháng 06/2008, 2% tổng giá trị “tín dụng carbon” (ước tính lên tới 950 triệu USD vào năm 2012) sẽ được hỗ trợ cho quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ước tính khoảng 100 triệu USD tổng giá trị các tín dụng vẫn nằm trong ngân hàng.
Thương mại hóa sự thích ứng và những vấn đề nảy sinh
Vấn đề đầu tiên là nguồn vốn tài trợ quá ít ỏi. Theo ước tính, tổng chi phí để đương đầu với vấn đề biến đổi khí hậu ở các nước nghèo lên tới hàng chục tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, cho đến nay tổng cộng số vốn cam kết hỗ trợ mới đạt 300 triệu USD, trong đó chỉ có 10% được sử dụng. Trung Quốc cho rằng các nước giàu nên trích 0,5% tổng thu nhập quốc dân để giúp đỡ các nước nghèo trong vấn đề này. Song, phần lớn các nước giàu vẫn chưa thực hiện được cam kết tăng viện trợ.
Nghịch lý là các nước nghèo sẽ phải tự chịu phần lớn gánh nặng từ sự biến đổi khí hậu. Trung Quốc đã xây dựng một chương trình quốc gia về thích nghi biến đổi khí hậu với hàng loạt mục tiêu và chính sách khuyến khích cụ thể. Bangladesh năm nay cũng đầu tư 50 triệu USD vào quỹ thích ứng khí hậu của quốc gia và kêu gọi sự tài trợ của các nước phát triển. Song, hướng giải quyết như vậy chỉ phù hợp với các quốc gia lớn như Trung Quốc và Bangladesh hơn là các nước nghèo như Mali hay Maldives.
Bên cạnh vấn đề tài chính cũng đặt ra vấn đề ưu tiên quốc gia. Các nước giàu có thể thừa nhận rằng người nghèo bị tác động nhiều hơn và cần được giúp đỡ, tuy nhiên họ sẽ ưu tiên cho các chương trình hỗ trợ ở chính nước họ. Chẳng hạn như chính phủ Mỹ sẽ ưu tiên đầu tư cho dự án xây lại tuyến đê ở bang New Orleans (một dự án nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu) hơn là cho các cho các dự án khác ở châu Phi hay ở vùng Caribean.
Vấn đề ưu tiên cũng nảy sinh khi các nước nghèo nhận được nguồn vốn tài trợ. Theo ông Saleemul Huq thuộc Viện Môi trường và Phát triển thế giới tại London, nhìn chung vốn trợ cấp nên dành cho các vấn đề quốc gia như thuỷ lợi, nghiên cứu giống cây trồng chịu hạn,…Tuy nhiên, vấn đề sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trên thực tế đang gây ra nhiều tranh cãi.
Nếu nước biển dâng, chúng ta sẽ xây đê chắn hay di dời dân cư? Nếu bệnh dịch gia tăng, chúng ta sẽ đầu tư vào việc loại trừ các bệnh nguy hiểm nhất (như bệnh sốt rét) hay đầu tư vào việc nâng cao sức khoẻ và dinh dưỡng nói chung? Phương án thứ hai có vẻ thực tế hơn song nhiều nhà tài trợ chỉ quan tâm tới những nỗ lực đơn lẻ. Ông Geogre Soros, một nhà tài chính điều hành nhiều tổ chức từ thiện cho biết, ở các nước đang phát triển rất ít người có nhận thức rõ ràng về biến đổi khí hậu và biện pháp để đương đầu với nó.
Trong số các nước đang phát triển, vấn đề về biến đổi khí hậu chủ yếu do ba nước lớn tiến hành đàm phán là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Đây cũng là các quốc gia gây nhiều ô nhiễm và lợi ích của họ khác với lợi ích của các nước nghèo và quốc đảo khác. Ông Angus Friday, đại sứ của Grenada tại Liên Hiệp Quốc đồng thời cũng là người đại diện cho các quốc đảo, phát biểu: “Các quốc đảo là những nước chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhưng cũng lại có ít cơ hội nhất để tham gia thảo luận vấn đề này”.
Người nghèo cũng “nhận được” nhiều thiệt thòi. Thông qua nghị định Kyoto, nỗ lực của các nhà máy công nghiệp trong việc cắt bỏ khí thải được ghi nhận. Trong khi đó, đóng góp của người nghèo cho việc giảm thiểu lượng carbon bằng cách quản lý rừng nhiệt đới hiệu quả hơn lại không được biết đến. Nguyên nhân là do vấn đề rừng chưa được đưa ra tham vấn ở hội nghị Kyoto.
Theo Mary Robinson, cựu Tổng thống Ireland và là thành viên của Ủy ban cấp cao Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Luật quốc tế cần tính đến khoản bồi thường cho các nước nghèo vì những hậu quả môi trường mà họ phải gánh chịu mà nguồn thải chủ yếu gây nên hiện tượng nóng lên tòan cầu là những quốc gia giàu có, phát triển.