ThienNhien.Net – Theo cam kết của 191 quốc gia thành viên Công ước Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (2004), ít nhất 10% khu vực sinh thái của thế giới sẽ được bảo vệ hiệu quả cho đến năm 2010. Tuy nhiên, bản Báo cáo thường niên về những khu vực được bảo vệ – Tổng kết tiến trình bảo vệ toàn cầu 2007 – của Trung tâm Giám sát Bảo vệ Thế giới thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP-WCMC) công bố ngày 6/10/2008 vừa qua cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa đạt được những mục tiêu chung đã đề ra. Đồng thời, báo cáo cũng cho biết sinh thái đất liền đang được các quốc gia bảo vệ tốt hơn vùng biển.
Trong khi 12% vùng đất trên hành tinh đang được bảo vệ thì chỉ có 5,9% vùng biển và chưa đến 1% các vùng biển cao được bảo vệ. Chỉ có 45% các nước đáp ứng được mục tiêu 10% khu vực được bảo vệ, song chỉ có có 14% các nước có khả năng đáp ứng được mục tiêu bảo vệ vùng biển.
Các nước ở Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á, và Châu Đại Dương chỉ bảo vệ được chưa đến 10% khu vực đất liền. Ở nhiều nước Châu Á, Châu Phi và Thái Bình Dương thì vùng biển được bảo vệ là dưới 2%.
Công ước đã chứng tỏ nó là một cơ chế hiệu quả để giảm chặt phá rừng, nguyên nhân gây ra 20% lượng khí C02 phát thải ra trên toàn cầu; bảo vệ nguồn nước cho cư dân địa phương, duy trì năng suất thuỷ sản và giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu.
Ông Gordon Shepherd, Giám đốc Chính sách Toàn cầu và Khu vực của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên cảnh báo: “Nếu không thực hiện cam kết bảo vệ sinh thái ở các khu vực đã quy đinh, các chính phủ sẽ phải giải quyết các nguy cơ về sinh thái như đối phó với thay đổi khí hậu, quản lí dinh dưỡng và chất thải, kiểm soát lũ lụt, bảo vệ vùng biển, cung cấp thực phẩm, nước sạch, nhiên liệu, thuốc, vật liệu xây dựng, đất màu mỡ và không khí để thở…