Nghiên cứu giống cây trồng thích nghi với khí hậu

ThienNhien.Net – Tổ chức Bảo vệ Đa dạng Sinh học Toàn cầu đang hỗ trợ khoảng 300.000 USD cho việc nghiên cứu khả năng thích nghi cũng như năng suất của cây trồng trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu của các nhà khoa học thuộc 21 học viện nông nghiệp đến từ 15 nước đang phát triển. Trong năm tới, khoảng 200 000 USD sẽ tiếp tục được ủng hộ theo một cam kết hỗ trợ lâu dài.


Giám đốc điều hành Quỹ Đa dạng Sinh học Nông nghiệp, ông Cary Fowler cho biết: Nếu như không tiến đến sự đa dạng giống cây trồng, ngành nông nghiệp không thể thích nghi hay chống chọi được với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như các loài gây hại, sâu bệnh, sự thay đổi khí hậu, hạn hán và sức ép năng lượng. Sự đa dạng giống cây trồng có thể giúp chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm và năng lượng cho con người.
 
Nhiều loại cây trồng khác nhau sẽ được nghiên cứu để xác định loại giống cây có khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu sẽ trồng thử nghiệm các giống cây trồng trong các môi trường có điều kiện bất lợi khác nhau, chẳng hạn độ mặn cao, nhiệt độ cao, sau đó sẽ tiến hành đánh giá khả năng sinh trưởng của chúng và toàn bộ các giống cây thích nghi tốt sẽ được nhân rộng rãi.
 
Ngoài ra, một số loài sẽ được áp dụng quá trình ”tiền nhân giống” (trồng thử nghiệm trước khi nhân giống đại trà). Bởi vì, trên thực tế, việc cấy một hoặc hai gen từ những giống cây đã có hay hoang dã để tạo thành một giống mới là rất tốn kém và khó khăn. Bên cạnh đó, những nhà cung cấp giống cây trồng thường phải tiến hành quy trình nhân giống trong một khoảng thời gian ngắn, nên phương pháp giâm cành để cải thiện phẩm chất của cây là không phù hợp.

Việc sử dụng cây có những phẩm chất tốt trong nhân giống sẽ tạo nên một bước khởi đầu thuận lợi cho công tác lai tạo giống cây trồng trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, quá trình ”tiền nhân giống” còn giúp cho mục tiêu đưa các gen tốt tập trung vào một giống cây trồng trở nên dễ dàng hơn đối với các chuyên gia nhân giống.
 
Những dự án đã được thông qua còn bao gồm một kế hoạch tiến hành thử nghiệm trên 20 giống khoai sọ tại Papua New Guinea về sức chịu hạn và chịu mặn. Đối với cộng đồng dân cư nghèo khu vực Thái Bình Dương, khoai sọ là một loại thực phẩm đặc biệt quan trọng, là nguồn cung cấp lương thực lâu dài và thường xuyên trong bối cảnh giá cả các loại lương thực khác đang tăng cao.
 
Một chương trình khác cũng được triển khai tại Bangladesh nhằm nghiên cứu những giống đậu thân thảo, một loại cây cung cấp lương thực cho người nghèo trong điều kiện môi trường chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, sử dụng loại đậu này trong một thời gian dài có thể dẫn đến chứng bại liệt vì trong loài đậu này có chứa chất neurotoxin. Các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu để tìm ra những giống đậu có hàm lượng neurotoxin thấp.