ThienNhien.Net – Một trong những khó khăn lớn nhất mà “người tiêu dùng xanh” thường gặp phải đó là sự phân biệt các mặt hàng. Thật không đơn giản để biết đâu là mặt hàng thực sự sạch và đâu là mặt hàng được khuyếch trương nhằm tăng doanh thu của nhà sản xuất và doanh nghiệp.
Một cuộc điều tra xã hội về các mặt hàng, sản phẩm và môi trường mang tên “Nhịp đập sinh thái” trên toàn nước Mỹ đã được tiến hành bởi Brand Week.
Theo đó, gần một nửa số người được hỏi (49%) cho rằng báo cáo của một công ty về môi trường ảnh hưởng rất quan trọng đến quyết định mua hàng của họ. Trong khi đó chỉ có 21% cho biết họ chọn sản phẩm này (thay vì một sản phẩm khác) vì công ty đó thân thiện với môi trường. Nhưng chỉ có khoảng 7% số người có thể kể tên một sản phẩm thân thiện với môi trường mà họ từng mua.
Mặc dù những chiến dịch truyền thông nhằm giáo dục người dân về sự thay đổi khí hậu trong những năm gần đây được đầu tư và khuyến khích rất nhiều, song chỉ có 57% người được hỏi (trong cuộc điều tra trên) đồng ý với quan điểm “sự nóng lên của toàn cầu, hay sự thay đổi khí hậu đang diễn ra chủ yếu là do những hoạt động của con người gây ra”.
Khi những người phỏng vẩn nhận được yêu cầu “kể tên những tiêu chí đánh giá một ngôi nhà thân thiện với môi trường” theo quan niệm của họ thì 42% trả lời không biết, trong khi 28% cho là sử dụng năng lượng mặt trời, 12% sử dụng bóng đèn huỳnh quang và 10% kể tên những thiết bị được công nhận chuẩn Energy Star (một tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng). Những tiêu chí khác được đề cập không đáng kể. Trong cuộc điều tra thứ 2, họ đã đưa ra 17 đặc điểm của một ngôi nhà thân thiện với môi trường. và người tiêu dùng được yêu cầu đánh dấu vào tiêu chí của ngôi nhà đó, kết quả thu được trung bình là 10,4/17 đặc điểm.
Đa phần câu trả lời của người tiêu dùng về tiêu chí lựa chọn một sản phẩm “sạch” hoặc thân thiện với môi trường là: Thứ nhất là không có thành phần hóa chất độc hại; thứ hai là bao bì được làm từ vật liệu đã tái chế hoặc có thể tái chế. Khi được hỏi: “Bạn có đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích môi trường hay không?” thì hầu hết người tham gia trả lời “có”.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi 40% số người được hỏi cảm thấy “nghi ngờ”, “giận dữ” khi các phương tiện truyền thông tập trung tiêu điểm vào những tác động của con người lên môi trường. Không ai trong số họ thừa nhận rằng mình từng mắc sai phạm. Nhưng có đến 60% người phỏng vấn cho biết họ đã nhận thức được nhiều điều khi thế giới đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng như hiện nay (khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng,…)
47% số người được hỏi cho rằng: các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp, công ty được sản xuất chỉ nhằm nâng cao hình ảnh của họ trong con mắt của công chúng để tăng doanh thu. Trong khi đó chỉ có 13% cho rằng: các cổ đông của công ty hay chính người chủ của nó thật sự có tâm huyết với môi trường nên mới nghiên cứu làm ra các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường.
Nhiều doanh nghiệp hay công ty đã đạt được những tiêu chuẩn cho các mặt hàng của mình, nhưng cũng không hề dễ dàng để duy trì và phát triển nó, bởi trong thời đại thị trường như hiện nay, doanh thu vẫn là điều quan trọng nhất đối với họ. Các sản phẩm sạch hay thân thiện với môi trường đòi hỏi một quá trình sản xuất khắt khe và đầu tư tốt, có chọn lọc không như những sản phẩm thông thường chính vì thế các nhà sản xuất vẫn thờ ơ, còn người tiêu dùng chưa thay đổi được thói quen mua hàng truyền thống.