ThienNhien.Net – Khi nói đến rác, chúng ta thường nghĩ đó là vấn đề cấp bách của các đô thị hay các thành phố lớn. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình đô thị hóa thì vấn nạn rác thải nông thôn cần thiết phải được quan tâm và giải quyết.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật sản xuất, đóng gói bao bì, nhiều loại giấy, hộp đóng gói được làm chủ yếu bằng ni lông, nhựa, thiếc cùng sự tiện dụng của chúng đã làm thay đổi phong cách tiêu dùng và tập quán của người dân nông thôn. Nhưng kèm theo thói quen đó là lượng rác thải ra ngày càng lớn.
Điều mà chúng ta có thể cảm nhận ngay được khi về các vùng nông thôn là rác thải có mặt ở khắp mọi nơi từ bờ sông, mương máng, ao hồ, đường liên thôn, liên xã nơi đâu cũng có rác. Xưa kia chỉ là rác hữu cơ, là giấy hay lá dùng để gói hàng hóa dễ phân hủy nhưng nay tỉ lệ rác vô cơ khó xử lý ngày càng lớn.
Các vùng nông thôn Việt Nam thường có nhiều ao hồ, nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống hàng ngày chủ yếu là nước giếng (giếng khơi hoặc giếng khoan tầng nước nông). Do vậy mà nguy cơ các chất ô nhiễm có khả năng gây nhiễm bẩn nguồn nước này là rất lớn.
Nếu như ở các đô thị lớn, trung bình một người thải ra 1kg rác/ ngày thì tại nông thôn, lượng rác thải ra của mỗi người dân cũng vào khoảng 0,6- 0,7kg rác/ngày. Như vậy, với khoảng 50 triệu dân đang sống ở các vùng nông thôn Việt Nam, mỗi ngày sẽ có khoảng 30 – 35 ngàn tấn rác thải cần được xử lý, thu gom.
Hiện tại, việc thu gom rác thải tại các vùng nông thôn còn rất khiêm tốn, có tỷ lệ thu gom rác thải lớn nhất cũng chỉ đạt từ 19,8 – 29,2% như các huyện Thuận Thành ( Bắc Ninh), Ứng Hoà ( Hà Tây), còn tại Giao Thuỷ ( Nam Định), Bình Xuyên ( Vĩnh Phúc) tỷ lệ thu gom chỉ đạt từ 3,6 – 3,7% thực tế.
Một vấn đề chúng ta không khỏi quan tâm hiện nay là hầu hết lượng rác này lại không được phân loại và xử lý, hình thức thường được sử dụng nhất hiện nay đó là đốt hoặc chôn lấp. Không những thế, vị trí đổ rác thải hiện nay hầu hết không được khảo sát để tránh ảnh hưởng tới dân cư, nguồn nước.
Việc thu gom và xử lý rác thải tại các vùng nông thôn là vô cùng cần thiết. Nó góp phần cải tạo môi trường cảnh quan, không những đảm bảo sức khỏe cho người dân nông thôn mà cả dân cư đô thị, vì đa số các sản phẩm lương thực, thực phẩm hàng ngày được cung cấp từ các vùng nông thôn và khu vực ngoại thành.
Hợp tác xã (HTX) Môi trường Thành Đạt (Ba Vì, Hà Tây) là một trong những HTX môi trường đầu tiên của khu vực nông thôn, với phạm vi thu gom từ các hộ dân cư, các nhà máy, xí nghiệp, trường học và các khu du lịch của Ba Vì.
Hoạt động với hình thức Nhà nước và dân cùng làm. HTX Môi trườngThành Đạt ký hợp đồng kinh tế với Công ty MTĐT Sơn Tây thu gom, cân rác cho Công ty với 1kg rác là 600 đồng. Thu của mỗi hộ dân mỗi tháng 6.000 đồng. Riêng với trường mầm non, HTX không thu tiền. Được biết, thời gian tới, HTX sẽ tuyển thêm công nhân lên khoảng 25 người và đầu tư thêm 4 xe vận chuyển nhằm mở rộng thu gom trên địa bàn toàn huyện.
Tháng 06/2008 tại Vĩnh Phúc, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các phòng TN&MT thuộc hai huyện Mê Linh, Lập Thạch và Sở TN&MT xây dựng thí điểm hai mô hình thu gom rác thải nông thôn tại thôn Lâm Hộ, xã Thanh Lâm, Mê Linh và thôn Đình, xã Tiên Lữ, Lập Thạch. Để có kinh phí hoạt động người dân hai thôn đã cùng họp bàn và thống nhất mỗi hộ gia đình đóng 3.000-5.000 đồng/tháng để chi trả cho người đi thu gom rác thải.
Được sự hướng dẫn của các ngành chức năng về về kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải, được Nhà nước hỗ trợ xe trở rác, dụng cụ, bảo hộ cho đội đi thu gom rác hoạt động và nơi đổ rác tập trung được chính quyền địa phương tạo điều kiện quy hoạch bãi chôn lấp rác thải xa dân cư…, đến nay mô hình thu gom rác thải tại hai xã đã đi vào hoạt động tốt.
Từ mô hình điểm ở thôn Lâm Hộ, xã Thanh Lâm đã nhân rộng thêm 02 tổ dịch vụ thu gom rác thải. Tại các thôn mô hình thu gom rác thải hoạt động, môi trường nông thôn trở lên trong lành, cảnh quan đường làng sạch sẽ; không còn những đống rác trong hồ ao, đầu làng, khu công cộng.
Theo báo cáo của Trung tâm Tài nguyên nước môi trường – Viện Khoa học Thủy lợi, Việt Nam hiện có 603 thị trấn và 9079 xã. Nếu như vấn đề thu gom rác tại các địa phương trên cả nước được thực hiện, điều đó đồng nghĩa rằng nông thôn sẽ có bộ mặt mới khang trang sạch sẽ hơn, và hàng vạn lao động sẽ có việc làm và thu nhập ổn định.