ThienNhien.Net – Nhà nhân loại học đồng thời là nhà bảo tồn thiên nhiên Richard Leakey mới đây đã lên tiếng cảnh báo tình trạng đáng lo ngại của động vật hoang dã châu Phi và thế giới trước tác động của hoạt động săn lùng và buôn bán thú rừng lấy thịt. Ông đồng thời chỉ trích các nỗ lực nhằm hợp pháp hóa việc mua bán thịt rừng của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Ban thư ký Công ước Đa dạng Sinh học (CDB).
Cuộc khủng hoảng “thực phẩm” mới
CIFOR từng thuyết phục rằng trên 80% các hộ nông thôn ở Trung và Tây Phi phụ thuộc vào thịt rừng cho nhu cầu chất đạm hàng ngày, một lệnh cấm hoàn toàn sẽ gây nguy hiểm đến cả con người, động vật. Họ đề xuất giải pháp bền vững là thiết lập một hệ thống quản lý an toàn hơn, ở đó người dân địa phương được đảm bảo về quyền lợi sử dụng đất đai bền vững và cam kết việc săn bắt có lựa chọn. Ngoài ra, cần công khai nguồn gốc thịt thú rừng, loại bỏ những khu vực không hợp pháp, đồng thời mỗi quốc gia cũng cần thống kê việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã để lên kế hoạch kiểm soát phù hợp.
Phản ứng lại các phân tích và đề xuất này, Richard Leakey chỉ trích CIFOR định kiểm soát hoạt động buôn bán thịt rừng bằng luật pháp nhưng lại thiếu hiểu biết thực tế về thế giới động vật hoang dã, rằng việc hợp pháp hóa các giao dịch khổng lồ đó sẽ không giúp gì cho động vật hoang dã, thay vào đó sẽ tiêu diệt các loài còn lại mà thế giới đang ra sức bảo tồn.
So sánh sự bất khả thi của việc hợp pháp hóa mua bán thịt rừng với viêc hợp pháp hóa buôn bán thuốc phiện, Leakey cho hay có nhiều cách khác để cung cấp chất đạm cho cộng đồng người nghèo như khuyến khích chăn nuôi gà, cá hoặc chuột đồng để giảm bớt sự thiếu dinh dưỡng. Theo ông, số lượng các loài động vật bị tuyệt chủng đang trên đà giảm mạnh như voi, tinh tinh, gorilla, tê tê, heo rừng, linh dương Nam Phi, các loại kỳ đà lớn và đặc biệt là các loài linh trưởng là do hoạt động mua bán thịt rừng ở Châu Phi.