ThienNhien.Net – Một loài chuột sa mạc, vốn được cho là đã tuyệt chủng cách đây 150 năm, mới được phát hiện tại Vườn Quốc gia Sturt của Australia, gần khu vực Tiboobura ở miền Tây tiểu bang New South Wales.
Người phát hiện loài chuột sa mạc này là Ulrike Kloecker, một nghiên cứu sinh của Đại học New South Wales.
Bà Ingrid Witte, quản lý Vườn Quốc gia Sturt, cho biết đây là lần đầu tiên có người tìm thấy loài chuột sa mạc trên tại vườn quốc gia này kể từ năm 1857.
Trước đây, người ta không kỳ vọng tìm thấy một loài động vật mới tại đây và việc vẫn có một loài động vật có vú sinh trưởng được tại vườn quốc gia này bất chấp hạn hán kéo dài là một bất ngờ tuyệt vời.
Theo bà Witte, loài chuột mới được phát hiện trông không giống bất kỳ con chuột nào mà chúng ta từng biết. Nó có một vòng màu vàng sẫm quanh mắt và thực sự trông rất lôi cuốn.
Hiện giới chức hữu quan đang tiếp tục tiến hành tìm kiếm tại Vườn Quốc gia Sturt với hy vọng phát hiện thêm các loài chuột sa mạc khác.
Trong khi đó, Hiệp hội quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cảnh báo có tới gần 800 loài sinh vật tại Australia đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có các loài cá, chim, một số thực vật và động vật hoang dã.
Theo hiệp hội trên, 1/4 số loài động vật trên thế giới hiện đang nằm trong sách đỏ về mối đe doạ tuyệt chủng, trong đó Australia bị xếp ở vị trí cao nhất về nguy cơ này.
Các nhà khoa học cho rằng hậu quả trên xuất phát từ nạn chặt phá rừng bừa bãi khiến các loài động vật bị mất dần thói quen và bản năng sinh tồn.
Theo Giáo sư Chris West thuộc trường Đại học Adelaide, một yếu tố quan trọng khác đe doạ sự sinh tồn của các loài động vật là ô nhiễm môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu. Ông cảnh báo mối đe doạ này sẽ có cơ hội trở thành hiện thực nếu chính phủ không có các biện pháp cụ thể và thiết thực để cải thiện môi trường sống cho các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Hổ Tasmania tại Australia là một trong những loài động vật vô cùng quý hiếm trên thế giới đã bị tuyệt chủng nhiều năm trước đây.