Sự suy giảm đáng báo động của tinh tinh châu Phi

ThienNhien.Net – Một khảo sát gần đây cho thấy số lượng tinh tinh tại vùng Bờ Biển Ngà đã giảm khoảng 90% trong vòng 20 năm qua.

Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoive),  nơi được cho là thành trì cuối cùng bảo vệ loài tinh tinh (tên khoa học là Pan Troglodytes verus), đã từng có khoảng 8000 – 12000 cá thể tinh tinh sinh sống trong những năm 1989,1990. Song, theo kết quả khảo sát mới được công bố trên tập san Current Biology (Sinh học ngày nay), số vùng có tinh tinh cư trú đã giảm hơn 90% so với năm 1990, điều này đưa đến giả thiết số lượng tinh tinh đã suy giảm từ 12.000 xuống còn khoảng 1.200 cá thể.
 
Năm 2007, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát tình trạng loài tinh tinh châu Phi với phương pháp tương tự những năm 1990 trên 11 địa điểm đã được khảo sát cách đây 17 năm.
 
Giáo sư Christophe Boesch, đồng tác giả nghiên cứu và cũng là người tham gia cuộc khảo sát 17 năm trước cho biết: “Thật đáng ngạc nhiên khi tại hầu hết những nơi chúng tôi tìm thấy loài tinh tinh vào năm 1990 thì giờ đây không còn tinh tinh sinh sống. Chúng tôi đã dự đoán số lượng loài tinh tinh sẽ sụt giảm nhưng không ngờ tình hình lại tồi tệ đến thế. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy một sự suy giảm đáng báo động về số lượng tinh tinh. Chúng ta cần phải hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ chúng trước nguy cơ tuyệt chủng.”
 
Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính của sự suy giảm này là nạn phá rừng và săn bắn trộm đang lan tràn, hậu quả của tốc độ gia tăng dân số quá nhanh ở quốc gia này. Dân số Bờ Biển Ngà hiện đang ở mức 18 triệu người, tăng 12 triệu người so với năm 1990.
 
Các nhà nghiên cứu cho rằng có một mối liên hệ giữa sự gia tăng dân số và tỉ lệ phá rừng, săn trộm. Thêm vào đó, tình trạng bất ổn định trong nước diễn ra từ năm 2002 có thể làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
 
Tại một số vùng, bao gồm khu vực Tây Phi, hiện đang tồn tại cái gọi là “hội chứng rừng trống”. Cụm từ này được dùng để chỉ những khu rừng vẫn còn nguyên vẹn cây cối nhưng lại không có động vật sinh sống vì chúng đã bị săn bắn hoàn toàn.
 
Tuy nhiên, giáo sư Boesch cũng cho rằng không nên quá bi quan với những kết quả khá ảm đạm của nghiên cứu. Một quần thể tinh tinh hiện đang sinh trưởng tương đối ổn định tại một trong số những địa điểm khảo sát trong ranh giới vườn quốc gia Tai.
 
Giáo sư giải thích: “Sự khác biệt chính là địa điểm này nằm trong lãnh thổ vườn quốc gia, đồng nghĩa với việc động vật nơi đây được bảo vệ khỏi nạn săn trộm. Thứ hai, trong suốt thời kỳ bất ổn định của quốc gia, công viên này được bảo trợ bởi hàng loạt dự án bảo tồn quốc tế”.
 
Giáo sư cũng cho rằng nếu có thể kết hợp cả hai yếu tố nêu trên chúng ta có thể tìm ra một hướng mới cho công tác bảo tồn loài tinh tinh châu Phi về lâu dài:  “Nếu muốn tiến hành bảo tồn một cách hiệu quả, cộng đồng quốc tế cần chung tay đầu tư và đặc biệt, phải đầu tư theo hướng bền vững. Nếu không rất khó đảm bảo được sự thành công”.
 Giáo sư Boesch kết luận: “Loài động vật gần với tiến hóa của con người nhất đang chết dần. Và tôi tự hỏi liệu tương lai nhân loại sẽ ra sao khi chúng ta để mặc loài tinh tinh tuyệt chủng ”.