ThienNhien.Net – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết bộ quy chế khảo nghiệm và đánh giá về cây trồng biến đổi gen đã được soạn thảo xong, chỉ chờ sự phê duyệt của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để chính thức ban hành.
Có bộ quy chế này, người trồng, người kinh doanh cây biến đổi gen sẽ có cơ sở để áp dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế đất nước.
Theo lộ trình đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, từ năm 2006-2010, Việt Nam cần chọn tạo được một số dòng cây biến đổi gen trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên đồng ruộng; năm 2011 đưa một số giống cây biến đổi gen như bông, ngô, đậu tương vào sản xuất đại trà.
Những thông tin này được đưa ra tại hội thảo khoa học “Công nghệ sinh học – Hướng phát triển cho tương lai” tổ chức ngày 2/10 tại Hà Nội.
Hiện nay, trên thế giới có 23 quốc gia chấp nhận việc trồng cây biến đổi gen. Sau 11 năm triển khai, từ 1 triệu ha ban đầu, tới năm 2007, tổng tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn thế giới là 114,3 triệu ha.
Khoảng 670 sản phẩm cây trồng biến đổi gen đã được phép có mặt tại thị trường của 53 quốc gia. Việc trồng cây biến đổi gen trên thế giới giúp nông dân tăng năng suất từ 5% – 50%.