ThienNhien.Net – Một doanh nghiệp gây ô nhiễm trong suốt 14 năm nhưng các cơ quan chức năng không thể phát hiện và xử lý. Phải đợi cho đến khi lực lượng Cảnh sát môi trường nhập cuộc thì vụ việc mới được đưa ra ánh sáng.
Cơ chế giám sát không hiệu quả
Trước khi có Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 1993, ngay từ những năm 1980 chúng ta đã có hàng loạt các văn bản đã được ban hành đều trực tiếp hoặc có phần liên quan đến các qui định BVMT, như luật Đất đai (1987), Luật Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (1987), Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (1989) và Thuế tài nguyên năm 1990. Điều đó chứng tỏ Nhà nước ta đã sớm coi trọng công tác BVMT.
Ngày 13/06/1993 Chính phủ ban hành Nghị định 67/2003/NĐ – CP về phí BVMT đối với nước thải. Trong đó có qui định rõ mức phí đối với nước thải công nghiệp theo khối lượng chất gây ô nhiễm/m3 nước thải đói với 7 chất gây ô nhiễm chính như: nhu cầu oxy sinh hóa (BOD), nhu cầu oxy hoá học (COD), chất rắn lơ lửng (Tss), thuỷ ngân, chì, arsenic và cadmium. Với tổng số 28 mức thu khác nhau từ 100 đồng đến 20 triệu đồng/ kg chất gây ô nhiễm. Mặc dù luật đã qui định rõ ràng như vậy nhưng khi thực hiện lại không đơn giản. Có thể đơn cử như vụ án Vedan được nhắc tới rất nhiều trong những ngày qua.
Vedan là một doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan, được xây dựng từ năm 1991 tại Long Thành – Đồng Nai. Các nhà máy của Vedan bao gồm: nhà máy Xút – Clo, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột biến đổi, nhà máy lysine, nhà máy tinh bột. Ngay từ khi đi vào hoạt động doanh nghiệp này đã gây ô nhiễm mô trường cho khu vực và đã phải bồi thường cho người dân quanh khu vực 15 tỉ đồng dưới danh nghĩa “hỗ trợ phát triển ngư nghiệp”. Không những thế, trong suốt 14 năm qua doanh nghiệp này luôn được nhắc đến như một điển hình về gây ô nhiễm môi trường. Nhưng mọi việc chỉ được đưa ra ánh sáng khi lực lượng Cảnh sát Môi trường vào cuộc. |
Mặc dù doanh nghiệp này đã gây ô nhiễm cho khu vực trong suốt 14 năm qua, phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân quanh vùng số tiền lên đến 15 tỉ đồng và bị xử phạt hành chính tới 4 lần nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa có thống kê nào về khối lượng nước thải, hàm lượng chất ô nhiễm có trong nước thải trong suốt thời gian hoạt động của Vedan.
Theo ông Hoàng Văn Thống, chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai thì Vedan đã bị nghi ngờ gây ô nhiễm sông Thị Vải từ năm 1994 nhưng đơn vị này lại không tìm được bằng chứng để buộc tội Vedan. Hơn nữa hàng năm cả Sở TN – MT Đồng Nai và Bộ TN – MT đều tiến hành các cuộc thanh kiểm tra các đơn vị xả thải ra sông Thị Vải trong đó có Vedan – Nhưng sự việc cũng không được làm rõ.
Lượng nước xả thải theo đơn đề nghị của Vedan là 5.000/28.000m3 lượng nước cấp, điều này không thể xảy ra vì lượng nước thải tối thiểu phải bằng 80% lượng nước cấp nhưng đơn vị này vẫn được cấp phép. Tại sao lại như vậy?
Tìm hiểu vấn đề này được biết, mặc dù Vedan chưa đạt yêu cầu để cấp phép như: Nước thải có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép, chưa làm rõ chế độ xả thải cũng như thời gian xả thải, lượng nước thải đề nghị không phù hợp với thực tế…các nguyên nhân này đã được Chi cục bảo vệ môi trường trình lên hội đồng thẩm định buộc Vedan phải giải trình. Nhưng theo ông Lê Viết Hưng, giám đốc Sở TN – MT tỉnh Đồng Nai: “Việc Vedan giải trình hay chưa hoặc giải trình như thế nào thì ông không có thông tin mà nội dung này chỉ có Cục quản lý Tài nguyên nước mới nắm rõ, sở TN – MT chỉ là thành viên tham gia góp ý kiên nên không nắm rõ”.
Trong khi đó thứ trưởng bộ TN-MT Trần Hồng Hà lại khẳng định trong cuộc họp báo ngày 17/09/2008: “Bộ TN-MT thực hiện quy trình cấp giấy phép là hoàn toàn đúng quy định. Vấn đề ở đây là, việc phân tích mẫu nước tại nguồn tiếp nhận thì Bộ không thể trực tiếp tham gia được. Trách nhiệm này thuộc Sở TN-MT tỉnh”.
Điều này cho thấy nghịch lý là, cơ quan cấp phép là Bộ TN – MT thì không có thông in đầy đủ về Vedan, cơ quan chủ quản có nhiều thông tin, nắm rõ họat động của Vedan là Sở TN – MT tỉnh Đồng Nai thì lại không thể hiện được vai trò của mình, thậm trí ý kiến nêu ra cũng không được trả lời, đồng thời trách nhiệm của Cục Quản lý tài nguyên nước trong vấn đề này cũng không được thể hiện.
Với những chứng cứ không thể chối cãi, trong phiên họp ngày 19/09/2008 vừa qua lãnh đạo Vedan đã xác nhận 10 nội dung vi phạm của mình, trong đó có việc không nộp đầy đủ số liệu về khảo sát, quan trắc môi trường. Nhưng luật Môi trường năm 1993 có qui định: “Các cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức điều tra, nghiên cứu đánh giá hiện trạng, định kì báo cáo Quốc hội về tình hình môi trường, xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường và thông báo cho nhân dân biết…” . Vedan sai là điều không cần phải bàn cãi nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vấn đề này được thể hiện ở đâu trong suốt 14 năm qua?
Vedan vi phạm vì động cơ kinh tế, tức là thu lợi nhuận bất chính thông qua xả thải trái phép, còn nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là ngăn chặn hành vi này qua công tác kiểm tra, thẩm định tại hiện trường. Bởi vậy điều mà chúng ta còn thiếu ở đây là một cơ chế giám sát có hiệu quả. Bởi nếu không giám sát thì chúng ta không có số liệu để buộc Vedan cũng như các doanh nghiệp phải đóng phí xả thải hoặc chịu phạt, Vedan thì chúng ta không có số liệu đầy đủ. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp
Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật BVMT năm 1993 qui định: Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của từng người. Điều đó cũng đã được thể hiện qua vụ việc Vedan gây ô nhiễm. Theo đó người dân đã khởi kiện Vedan (1995) gây ô nhiễm và đòi bồi thường 40 tỉ đồng, nhưng qua nhiều lần họp, thảo luận thì phía Vedan chỉ chấp nhận bỏ ra 15 tỉ đồng dưới danh nghĩa “hỗ trợ phát triển ngư nghiệp” và chúng ta chấp nhận sự hỗ trợ này.
Sau vụ việc này chúng ta không thấy Vedan “hỗ trợ” cho người dân khu vực bị ô nhiễm nữa, mặc dù doanh nghiệp này vẫn tiếp tục gây ô nhiễm từ đó cho đến khi bị C36 phát hiện (12/09/2008). Phải chăng cả Vedan và người dân đã coi việc “hỗ trợ” đó như một phương thức mua quyền xả thải ?
Người dân đã kiện Vedan vì hành vi gây ô nhiễm của họ, nhưng ở đây người dân chỉ nhận thức được hậu quả mà chúng ta nhìn thấy, nó giống như phần nổi của một tảng băng chìm. Tức là ở đây người dân không biết những mối nguy hiểm tiềm tàng mà Vedan gây ra đối với họ, bởi vậy chúng ta cần phải có những hình thức tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng hiểu và nắm rõ những tác động tiêu cực của việc gây ô nhiễm môi trường do các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ra.
Đồng thời chúng ta cần nâng cao năng lực tham gia, giám sát của cộng đồng dân cư địa phương đối với hoạt động gây ô nhiễm. Bởi người dân sống xung quanh khu vực nhà máy là những người thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do môi trường bị ô nhiễm. Trong lúc các cơ quan chức năng không thể hiện được vai trò giám sát của mình thì chúng ta nên có một cơ chế để người dân có thể tham gia như thành lập các cơ quan, tổ chức chuyên trách để tiếp nhận và giải quyết những phản ánh, khiếu kiện của người dân.
Mục đích của các loại thuế, phí môi trường là nhằm buộc doanh nghiệp nội ứng hóa các chi phí về môi trường. Tuy nhiên Vedan lại lấy đó để thu lợi nhuận trực tiếp, do vậy ở đây đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh không công bằng mà người hưởng lợi nhiều hơn là Vedan.
Trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn họ phải tính cả các chi phí về môi trường vào quá trình sản xuất như một yếu tố đầu vào. Bởi vậy các doanh nghiệp sản xuất sạch, thực hiện đúng luật môi trường cũng cần phải thể hiện tiếng nói của mình trong vấn đề này, đó không những là trách nhiệm đối với xã hội mà nó còn liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Biện pháp xử phạt Vedan như đã làm có mang lại hiệu quả ?
Khi Vedan gây ô nhiễm, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng cách xử lý vẫn còn nhẹ, không đủ sức thuyết phục để Vedan thay đổi cách hành xử của mình. Cụ thể qua 4 lần vi phạm thì danh nghiệp này chỉ bị xử phạt hành chính có 23 triệu đồng. Trong khi đó để xử lý 1m3 dịch thải Vedan cần phải tốn ít nhất 1 triệu đồng (một số đánh giá cho là 10 triệu đồng), trung bình một tháng doanh nghiệp xả thải 45.000 m3 dịch thải. Chỉ như vậy đã mang lại cho Vedan 45 tỉ đồng/tháng. Vậy 91 tỉ đồng hợac một con số nào khác nữa mà Vedan phải chịu phạt theo như các cơ quan điều tra căn cứ vào đâu để tính, liệu có làm Vedan thay đổi hành vi của mình.
Để giải quyết vấn đề Vedan hay những vụ việc tương tự như Vedan là rất khó, nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được. Theo đó, khi doanh nghiệp vi phạm nếu như buộc phải sử dụng các công cụ pháp lý sẽ rất khó mang lại hiệu quả vì: Biện pháp xử phạt hành chính thường là quá nhẹ, doanh nghiệp nộp phạt nhưng vẫn có lợi nhuận. Nếu xử lý hình sự thì lại tốn thời gian tranh tụng, trong nhiều trường hợp là không thể do chúng ta không có đủ chứng cứ buộc tội do sự yếu kém của các cơ quan chức năng.
Một biện pháp cho là khả thi hơn chính là sử dụng phí không tuân thủ. Trong trường hợp này các doanh nghiệp buộc phải đóng một khoản phí ngoài phí xả thải theo giấy phép còn phải chịu một múc phí khác cao hơn tùy theo thời gian, lượng thải…Tất nhiên mức phí này phải cao hơn so với chi phí mà doanh nghiệp có thể xử lý.
Ví dụ như trong trường hợp Vedan, nếu chúng ta thu phí trung bình là 10.000 đồng/m3 nước thải đối với lượng thải trong giấy phép xả thải. Còn đối với nước thải nằm ngoài chỉ tiêu thì doanh nghiệp phải chịu một mức phí không tuân thủ cao hơn tùy thuộc vào số lượng và thời gian gây ô nhiễm. Mục đích cuối cùng muốn đạt được là nhằm buộc Vedan phải điều chỉnh về mức xả thải tối ưu để có lợi nhuận như giảm công xuất, thay đổi nguyên liệu đầu vào, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải….
Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xử phạt Vedan 216 triệu đồng và truy thu 127 tỷ đồng phí môi trường. Cũng theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên nghành để xử lý chất thải của Vedan cần phải đầu tư một hệ thống có giá trị lên đến 140 tỉ đồng và chi phí vận hành khoảng 210 tỉ đồng/năm.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Vedan phải dành 15% kinh phí cho các vấn đề môi trường, tuy nhiên trên thực tế doanh nghiệp này chỉ đầu tư 1%. Những con số ở trên mang lại cho chúng ta điều gì . Liệu các doanh nghiệp khác có coi vụ án Vedan là bài học cho mình?