ThienNhien.Net – Chúng ta đã phải nỗ lực trong suốt hơn 1 thập kỷ qua mà chương trình trồng 5 triệu ha rừng vẫn đang đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành đúng kế hoạch. Ấy vậy mà, tại thời điểm này, vẫn có những chủ trương kỳ lạ như đề án 6310 – “chặt trắng để phủ xanh” như đề xuất của tỉnh Lâm Đồng.
Chủ trương gây sốc
Ngày 08/10/2008, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 20 khóa VIII bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội. Trong đó, Lâm Đồng chủ trương xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp một cách toàn diện bằng cách ổn định 83.674ha rừng đặc dụng với tính đa dạng sinh học cao, duy trì độ che phủ của rừng ở mức 62%, nâng cao chất lượng 345.000ha rừng sản xuất và đẩy mạnh chế biến tinh.
Đặc biệt, tỉnh kiến nghị Bộ NN – PTNT ủng hộ giải pháp mạnh: Chuyển đổi 52.000ha rừng thông được quy hoạch thành rừng sản xuất theo hướng chặt trắng và trồng lại rừng bằng các loại cây có giá trị kinh tế chất lượng cao như thông 3 lá, thông Caribê, Keo, cao su, tre, luồng, dự kiến mỗi năm chặt và trồng lại 5.000ha với sản lượng gỗ ước đạt 250.000 – 300.000 m3/năm. Trong đó có 14.966ha thành thục (60-70 năm tuổi).
Chủ trương này gây sốc không chỉ với những ai yêu mến Đà Lạt mà cả với những người quan tâm đến công cuộc bảo vệ và phát triển rừng, vì nó “quá mới lạ”. Chúng ta đã có Dự án thay thế rừng nghèo bằng cao su (hiện đang đã bị tạm dừng), nay lại thêm phá rừng để trồng rừng.
Lý do không thuyết phục
Theo như giải trình của UBND tỉnh Lâm Đồng, tuy tỉnh có diện tích rừng chỉ đứng sau Kon Tum, với độ che phủ năm 2007 là 62% nhưng đến nay “rừng vẫn không nuôi được rừng” và tài nguyên rừng vẫn còn là tiềm năng. Mỗi năm địa phương chỉ nhận được 45 – 50 tỉ đồng từ Chính phủ và các nguồn thu khác từ rừng. Trong khi đó, để thực hiện các chương trình như trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ chăn nuôi, trồng cây tre bóng, chi phí quản lý mỗi năm Lâm Đồng cần 250 – 300 tỉ đồng.
Nếu dự án này được thực hiện thì mỗi năm chặt trắng theo lô (theo điều chế rừng) với diện tích 5000 ha, sau khi trừ chi phí bình quân 1 ha địa phương sẽ có 100 triệu đồng. Như vậy mỗi năm tỉnh sẽ có 500 tỉ đồng. Với cách làm này không những có đủ vốn cho việc xây dựng lại rừng kinh tế chủ lực chất lượng cao, còn có các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn.
Như vậy, lý do chính để thực hiện dự án là do thiếu kinh phí. Nhưng liệu có phải chúng ta không có kinh phí để trồng rừng? Để thực hiện chương trình 661 Nhà nước ta đã dành ngân sách khoảng 31.650 tỉ đồng để thực hiện. Trong 8 năm, chỉ có trên 1,4 triệu ha rừng được trồng mới, bằng 28,5% kế hoạch. Tiến độ trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có khá hơn nhưng cũng chỉ đạt 32,2%. Tiến độ trồng rừng nguyên liệu công nghiệp chỉ đạt 22%; nếu cộng thêm diện tích cây công nghiệp lâu năm và cây lấy quả cũng chỉ đạt 26%. Với tiến độ đó, theo nhận xét của ông Lê Quang Bình – UVTV QH thì trong thời gian còn lại, DA không thể đạt được kế hoạch; không hoàn thành mục tiêu đã được QH phê chuẩn. Nhưng các lý do được nêu ra không phải là thiếu ngân sách.
Mặc dù địa phương nào cũng cho rằng thiếu vốn, kết quả kiểm tra của Chính phủ cho biết tính đến hết 11/2007, các tỉnh mới giải ngân được 220/750 tỷ đồng vốn được giao. Ở một số địa phương như Quảng Trị, Quảng Nam, Bắc Kạn… tốc độ giải ngân chỉ đạt 6,7-11,5%. Tỉnh Lâm Đồng năm 2007 cũng chỉ giải ngân được 48%. Điều này chứng tỏ lý do mà tỉnh Lâm Đồng đưa ra là không hoàn toàn thuyết phục.
Một dự án còn nhiều nghi vấn
Theo tinh thần dự án thì sau 10 năm toàn bộ 52.000 ha rừng thông sẽ được thay thế bằng 52.000 ha rừng thông 3 lá, thông Caribê, Keo, cao su, tre, luồng với đủ loại kích cỡ, tuổi từ 1 – 10 năm. Nếu chỉ căn cứ vào giá trị kinh tế thì cây cao su sẽ là loại cây trồng được ưu tiên trồng ở đây, tuy nhiên UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa cụ thể trong vấn đề này? Cũng cần phải nhấn mạnh rằng đây là cách thức “chặt rừng cũ trồng rừng mới”, nhưng làm sao một khu rừng 10 năm tuổi có thể có sự đa dạng và giàu có như khu rừng đã có 60 – 70 năm tuổi như những rừng thông mà người ta đang chuẩn bị đốn hạ.
Không những vậy, những cánh rừng thông còn được coi là đặc trưng của Đà Lạt – Sự gắn bó của rừng thông với thành phố này đến mức người ta có thể quên tên con đường, nhưng lại rất nhớ cây thông trên con đường đó. Một tên gọi, thậm chí trở thành thương hiệu của Đà Lạt là “thành phố trong rừng” và “rừng trong thành phố”. Sự hiện diện của rừng thông không chỉ giữ môi trường sinh thái và quan trọng hơn nó là một phần văn hoá. Nhưng nếu dự án này được triển khai thì những dấu ấn về một Đà Lạt với những đồi thông vi vút gió sẽ chỉ còn là tiềm thức đối với ai đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất này. Liệu khi những đồi thông không còn thì du khách có đến với Đà Lạt ?
Cách làm trái ngược
Mục tiêu của chương trình trồng 5 triệu ha rừng là đến năm 2010 nâng diện tích che phủ rừng lên 43% và 47% vào năm 2020. Điều đó không có nghĩa là địa phương nào có độ che phủ lớn hơn 43% là có quyền đốn hạ bớt.
Đà Lạt – một Paris giữa lòng đất Việt (Ảnh:diaoconline.vn) |
Chủ chương của Đảng và nhà nước ta là xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để có thể thực hiện được công cuộc xã hội hóa nghề rừng chúng ta đã có rất nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ người dân. Như chương trình định canh định cư, giao đất giao rừng, trồng khoanh nuôi, bảo vệ rừng đầu nguồn và phủ xanh đất trống đồi núi trọc; chương trình giải quyết lương thực, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm. Tất cả những nỗ lực đó là nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng, để rừng có thể đảm bảo các chức năng vốn có của nó.
Theo như đề án này thì toàn bộ diện tích rừng 52.000 ha sẽ bị chặt trắng theo từng giai đoạn sau đó trồng mới. Thay vì phủ xanh diện tích đất trống đồi núi trọc, dự án sẽ tạo ra đồi núi trọc để rồi lại phủ xanh.
Đặc biệt của khi rừng bị chặt trắng như vậy thì khả năng xói mòn đối với khu vực là rất lớn. Kết quả bước đầu của việc định giá rừng tại lưu vực sông Đa Nhim – Lâm Đồng năm 2008 cho thấy lượng đất bị xói mòn ở những nơi không có rừng cao gấp 4 lần vùng có rừng, giá trị điều tiết nước ước tính 240.000 đồng/ ha/năm, giá trị giảm bồi lắng xói mòn đất 880.000 đồng/ ha/ năm, ngoài ra cón các giá trị khác như hấp thụ CO2, giá trị về đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu … đây sẽ là kinh phí mà những người hưởng lợi phải chi trả cho người trồng và bảo vệ rừng.
Lâm Đồng là địa phương được chọn để thực hiện thí điểm Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380/QĐ-TTg năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện chính sách này, cùng với việc đẩy nhanh công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, giao đất giao rừng cho cộng đồng, rừng sẽ được định giá về giá trị. Như vậy có thể nói ngoài các chính sách, chương trình như đã thực hiện ở trên thì giá trị của rừng đã được cụ thể hóa và người dân hoàn toàn có thể sống được từ rừng trong khi vẫn đảm bảo được các chức năng vốn có của rừng như: bảo tồn và lưu giữ đa dạng sinh học, điều tiết nước, hạn chế xói mòn, cung cấp gỗ, củi, hấp thụ CO2.
Nếu như trong thời gian tới đây chủ chương lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng được chính phủ phê duyệt thì nó hoàn toàn đi ngược lại với Quyết định 380/QĐ-TTg về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Có thể nói sự ra đời của quyết định 380/QĐ-TTg là một quyết định mang tính đột phá và đổi mới. Theo đó rừng hoàn toàn có thể nuôi được người dân, tất nhiên là rừng sẽ nuôi được rừng. Bởi vậy nên những dự án kiểu như “chặt trắng phủ xanh” như đã đề cập cần phải được loại ra khỏi tư duy của những người làm công tác bảo vệ và phát triển rừng.