ThienNhien.Net – Trong bối cảnh nóng lên toàn cầu đang đe dọa toàn nhân loại, vai trò của việc bảo vệ rừng đang trở nên vô cùng cấp thiết. Hàng loạt các dự án bảo vệ rừng đang được tiến hành để giữ lại lá phổi xanh cho Trái đất. Thế nhưng, cũng từ các dự án đó, hàng tỷ đô-la đã rơi vào tay những kẻ tham nhũng.
Liên minh Sáng kiến về Quyền và Tài nguyên (RRI) cho biết: Mặc dù có rất nhiều tiền đã được rót vào các nước đang phát triển để thực hiện các dự án bảo vệ rừng nhưng thực tế thì đa số số tiền đó không đến được nơi cần phải đến. Nguồn quỹ tài trợ mà các nước giàu cung cấp cho các nước nghèo để bảo vệ rừng lại không đến được tay những người dân đang trực tiếp làm công việc đó. Chính điều này đã gây ra các cuộc xung đột giữa những người dân địa phương với những kẻ tham nhũng. Trong khi đó, rừng không được bảo vệ và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các nước tài trợ thì cũng hoàn toàn thất bại.
Theo thống kê, phá rừng là nguyên nhân gây ra 1/5 lượng phát thải khí nhà kính. Vấn đề bảo vệ những cánh rừng nhiệt đới, bể chứa cacbon khổng lồ của Trái đất, đang là trọng tâm của các cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu.
Từ trước đến nay nguồn tài trợ của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển để bảo vệ rừng thường thông qua các Chính phủ. Nhưng để những nguồn tài trợ này đem lại hiệu quả thực sự thì các nước đang phát triển cần phải có những sửa đổi trong chính sách và tổ chức thực hiện, đặc biệt là những sửa đổi về chính sách về quyền sở hữu đất đai.
Bà Andy White, điều phối chính của RRI cho biết nếu không có những sửa đổi trong chính sách đất đai thì tiền bảo vệ rừng sẽ “chui” thẳng vào túi của các quan chức chính phủ, những người vẫn thường đứng đằng sau bảo trợ cho các hoạt động khai thác gỗ và khoáng sản trái phép. Nếu số tiền đó trực tiếp đến được với các tổ chức xã hội dân sự địa phương thì không chỉ nâng cao hiệu quả bảo vệ rừngmà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Thực tế cũng cho thấy ở Mexico, Guatemala và Brazil, các cộng đồng địa phương bảo vệ rừng còn tốt hơn chính phủ.
Những khu vực rừng nhiệt đới đôi khi là nơi có nhiều xung đột và nằm ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ. Do đó trong khi quyền sở hữu đất đai của người dân chưa được công nhận thì việc rót tiền vào đây với danh nghĩa chống lại biến đổi khí hậu chỉ làm tăng thêm xung đột trong khu vực.
Điều này đã đẩy các nước phát triển – những nước đang tài trợ cho các dự án bảo vệ rừng – vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ rất muốn hỗ trợ cho các nước nghèo để bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu nhưng kết quả của những nỗ lực đó lại phụ thuộc vào chính sách của các nước nghèo. Một khi những chính sách về quyền sở hữu đất đai còn chưa được cải thiện thì những nỗ lực của họ cũng chỉ là con số không.
RRI cho biết các nước đang phát triển cũng đang có những thay đổi tích cực trong vấn đề sở hữu đất đai. Tuy nhiên tiến trình này vẫn còn rất chậm so với yêu cầu đặt ra. Hiện chỉ có 27% diện tích rừng ở những nước đang phát triển là thuộc quyền sở hữu của người dân địa phương. Và trong hai thập kỷ tới những cánh rừng còn lại của Trái đất sẽ còn bị đe dọa nghiêm trọng hơn nữa do sự bùng nổ nhu cầu đất đai để trồng cây lương thực, cây nhiên liệu sinh học và gỗ nguyên liệu.
Ông Gareth Thomas, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế của Vương quốc Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ không tài trợ cho bất kỳ dự án nào mà chúng tôi thấy không chắc chắn. Chúng tôi chỉ muốn tiền của chúng tôi phải đến đúng nơi cần đến”.
Cải cách chính sách và quyền sở hữu đất đai là một vấn đề phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian. Nhưng đối phó với biến đổi khí hậu lại đang là vấn đề cấp bách. Nếu các nước đang phát triển không nhanh chóng giải quyết vấn đề này thì chính những người dân ở đó sẽ là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.