ThienNhien.Net – Thế giới hiện có 3,5 tỷ người đang sống ở những quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản. Nếu việc khai thác các nguồn tài nguyên này được quản lý tốt sẽ đem lại nguồn thu nhập rất lớn để các quốc gia tăng trưởng và đẩy lùi đói nghèo. Nhưng ngược lại, việc quản lý yếu kém sẽ làm cho đói nghèo, tham nhũng và xung đột trầm trọng hơn. Từ thực tế này, Sáng kiến minh bạc trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) đã ra đời.
EITI là gì?
EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu nhằm thúc đẩy tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. Sáng kiến này có phương pháp luận chặt chẽ nhưng linh hoạt nhằm theo dõi và đối chiếu các khoản thanh toán của công ty và nguồn thu chính phủ ở cấp quốc gia. Quá trình thực hiện EITI được giám sát bởi các thành viên từ chính phủ, các công ty và xã hội dân sự trong nước. Ủy ban EITI và Ban Thư ký quốc tế giám sát phương pháp EITI quốc tế.
Liên minh EITI được thiết lập vào tháng 10/2002, do cựu thủ tướng Anh Tony Blair công bố tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Johanesburg, Nam Phi. Năm 2005, trong phiên họp toàn thể EITI lần thứ hai tại Luân Đôn, Tập đoàn Tư vấn Quốc tế (IAG) đã đề xuất phương hướng hoạt động và cơ chế quản lý EITI.
Theo đó, EITI hỗ trợ cải thiện công tác quản lý tại những quốc gia giàu tài nguyên thông qua quá trình giám sát và công bố khoản tiền mà các công ty phải trả, cũng như nguồn thu mà chính phủ nước đó có được từ khai thác dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản. Phương pháp mà EITI vận dụng mang tính thiết thực và mềm dẻo, đảm bảo rằng các tiêu chuẩn toàn cầu được thực hiện một cách nghiêm túc ở tất cả các quốc gia. Những phương pháp này sẽ được đăng ký bản quyền bảo hộ.
Lợi ích hứa hẹn
Hiện có 33 nước đang áp dụng EITI, trong đó có 5 nước là Azerbaijan, Mông Cổ, Timor Leste, Ghana và Liberia được công nhận đạt các tiêu chí của EITI. Sáng kiến này cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều công ty khai khoáng, các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế như G8, G20, EU và Ngân hàng phát triển châu Phi. Liên hợp quốc cũng đã chính thức công nhận EITI vào ngày 11/09/2008 và cho biết sẽ ủng hộ sáng kiến này.
EITI tại Nigeria
Nigeria là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi, cũng nằm trong tốp 10 quốc gia hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, ngành dầu khí đã đóng góp gần 50% GDP, hơn 95% kim ngạch xuất khẩu và hơn 80% ngân sách cho quốc gia này. Việc quản lý khai thác dầu mỏ tại Nigeria do chính phủ ký kết hợp tác với 6 tập đoàn lớn: Shell, Mobil, Chevron, Agip, Elf và Texaco. Tuy có trữ lượng dầu mỏ cực lớn song ngành sản xuất khí đốt của Nigeria lại không mấy phát triển. Năm 2006, Tập đoàn tư vấn Hart có trụ sở tại London đã tiến hành kiểm toán ngành khai thác dầu mỏ tại Nigeria giai đoạn 1999 – 2004. Bản báo cáo kiểm toán đã cho thấy những yếu kém trong việc quản lý nguồn thu từ dầu mỏ cũng như những yếu kém trong quản lý chung của ngành tại quốc gia này. Từ kết quả kiểm toán, Nigeria đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về dầu mỏ, trong đó tập trung vào việc thiết lập một cơ chế kiểm tra chéo luồng doanh thu từ dầu mỏ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cải thiện cơ sở hạ tầng ngành, xây dựng hệ thống định mức chi phí đồng bộ, nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý trọng yếu và cải tổ hệ thống quản lý của ngành nói chung. Tham gia EITI, Nigeria đã thành lập một Ban điều hành độc lập. Ban này đã có nhiều hoạt động hướng tới các nhóm đối tượng khác nhau như giới truyền thông, các tổ̉ chức xã hội dân sự, quan chức chính phủ…hỗ trợ việc tổ chức triển khai kế hoạch hành động quốc gia. Tiến tới, họ dự kiến thiết lập 3 trung tâm thông tin chuyên ngành và tham gia hỗ trợ việc xây dựng luật về dầu mỏ. |
Đối với các nước thành viên, EITI hứa hẹn cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và các tập đoàn tài chính. EITI cũng hỗ trợ trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình và quản lý tài chính trong khai thác khoáng sản. Đồng thời, giúp quốc gia đó củng cố sự ổn định về kinh tế và chính trị, góp phần ngăn chặn các cuộc xung đột trong ngành dầu khí và khai khoáng.
Đối với các công ty và nhà đầu tư, EITI góp phần giảm nhẹ những rủi ro do yếu tố chính trị. Sự bất ổn về chính trị do sự quản lý yếu kém là một mối đe dọa đối với các nhà đầu tư trong khi ngành công nghiệp khai khoáng có đặc điểm đòi hỏi vốn đầu tư lớn và sự ổn định lâu dài. Khi có EITI, các công ty và nhà đầu tư sẽ được đảm bảo hoạt động trong một môi trường kinh doanh ổn định hơn.
Ngoài ra, EITI cũng đóng vai trò cung cấp thông tin cho cộng đồng về tình trạng thu chi và sự quản lý của chính phủ trong sử dụng tài nguyên quốc gia, giúp người dân đánh giá tính hợp lý của những hoạt động này.
Đến nay, Việt Nam chưa tham gia thành viên EITI nhưng về lâu dài, chúng ta cần tham khảo và cân nhắc việc tham gia sáng kiến này. Đây là một cơ chế mang ý nghĩa lớn đối với các quốc gia nghèo nhưng giàu tài nguyên như nước ta.
12 nguyên tắc của EITI
1. Sử dụng khôn khéo nguồn tài nguyên giàu có là công cụ quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, giảm nghèo đói tiến tới phát triển bền vững xã hội. Việc sử dụng không hợp lý sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực cho nền kinh tế và toàn xã hội. 2. Mục đích của việc quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản là vì lợi ích của công dân, nhằm phục vụ cho sự phát triển của quốc gia có tài nguyên. 3. Lợi nhuận từ hoạt động khai thác tài nguyên là nguồn thu nhập trong nhiều năm và phụ thuộc vào sự biến động giá cả. 4. Sự hiểu biết của người dân đối với nguồn thu của chính phủ từ ngành công nghệp khai khoáng có thể giúp cho người dân cân nhắc và đưa ra sự lựa chọn thích hợp và thực tế hơn cho sự phát triển bền vững. 5. Tăng cường tính minh bạch trong khai thác khoáng sản của các chính phủ và các công ty, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình và quản lý tài chính với công chúng. 6. Mục tiêu nâng cao tính minh bạch phải được đặt trong bối cảnh tuân thủ pháp luật và các điều khoản hợp đồng. 7. Minh bạch tài chính có thể tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 8. Nguyên tắc này đảm bảo trách nhiệm giải trình tài chính của Chính phủ với toàn thể công chúng về việc quản lý nguồn thu chi từ hoạt động cho khai thác tài nguyên. 9. Khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm giải trình tài chính trong đời sống cộng đồng, hoạt động chính phủ và các doanh nghiệp. 10. Có phương pháp phù hợp và khả thi để đảm bảo tính minh bạch nguồn thu của chính phủ và phí khai thác của các công ty trong họat động khai thác khoáng sản. 11. Tất cả các công ty khai thác ở quốc gia tham gia EITI bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm giải trình minh bạch. 12. Các thành phần có liên quan bao gồm chính phủ và các cơ quan của chính phủ, các công ty khai thác khoáng sản, các công ty dịch vụ, các tổ chức đa năng, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ đều phải có sự đóng góp quan trọng và thích đáng trong việc tìm kiếm giải pháp. |