ThienNhien.Net – Ngày 16/09/2008, dự thảo cuối cùng của Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) đầu tiên của Việt Nam đã được trình bày tại Hội thảo do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đồng tổ chức. Dự thảo này đã phản ánh những nguyên tắc có lợi cho người nghèo, và cho rằng sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ đảm bảo thành công bảo tồn ĐDSH.
Theo ông Christophe Bahuet, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam: ĐDSH và tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng đối với phần lớn dân số Việt Nam vì chúng đáp ứng các nhu cầu cơ bản và đảm bảo sinh kế cho người dân, đặc biệt là người nghèo nông thôn. Nếu tiếp tục mất ĐDSH, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn trong việc xây dựng một nền nông nghiệp và thủy sản bền vững cũng như trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển của mình.
Trước tình hình đó, Dự thảo Luật ĐDSH đã quan tâm đến các biện pháp bảo vệ cần thiết để hỗ trợ sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH. Dự thảo luật còn đề xuất các cơ chế chia sẻ lợi ích cho những người có tri thức truyền thống về ĐDSH, qua đó khuyến khích họ tham gia vào công tác bảo tồn và phục hồi ĐDSH.
Việt Nam là một trong những nước có ĐDSH phong phú trên thế giới nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng do bị khai thác quá mức. Sách đỏ của Việt Nam năm 2008 cho thấy: số lượng các loài động, thực vật bị đe doạ tăng từ 700 loài năm 2000 lên 880 loài năm 2008. Các nguyên nhân là do khai thác rừng quá mức, du canh, mất đất trồng trọt, ô nhiễm nước và suy thoái môi trường các vùng ven biển. Tăng dân số nhanh và phát triển thâm canh nông nghiệp cũng đang gây áp lực đối với ĐDSH.
Ông Đặng Vũ Minh – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội cho rằng: “Luật ĐDSH này là một công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự suy giảm ĐDSH, bảo tồn động vật, thực vật quý hiếm và phục vụ phát triển kinh tế và xã hội cũng như phát triển bền vững đất nước”.
Xây dựng Luật ĐDSH là một trong những hợp phần chính của Dự án Đói nghèo và Môi trường của UNDP và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mục tiêu của dự án nhằm hài hoà giữa giảm nghèo với môi trường trong chính sách và lập kế hoạch. Dự án tập trung vào mối liên kết giữa bảo tồn ĐDSH và giảm nghèo trong Luật ĐDSH này.
ĐDSH là vấn đề được gắn liền với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, Luật ĐDSH sẽ bổ sung và gắn kết chặt chẽ với các bộ luật có liên quan như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuỷ sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Những ý kiến từ Hội thảo này sẽ giúp cho việc chỉnh sửa bản thảo Luật cuối cùng trước khi trình cho Quốc hội xem xét và thông qua vào tháng 11 tới.