ThienNhien.Net – Công bố ngày 26/09/2008 của một tổ chức nghiên cứu có tên gọi Dự án Cácbon toàn cầu (GCP), Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nước có lượng khí thải CO2 cao nhất thế giới.
Theo tính toán của GCP, năm 2007, Trung Quốc thải 1,8 tỷ tấn CO2 từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, so với 1,59 tỷ tấn CO2 của Mỹ và 432 triệu tấn CO2 của Nga. Ấn Độ đứng thứ tư với 430 triệu tấn.
Cho đến năm 2005, các nước giàu chiếm phần lớn lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính (chiếm 53% lượng khí phát thải toàn cầu). Tuy nhiên, vài năm gần đây, tốc độ tăng lượng CO2 tại một số nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, lại nhanh hơn so với các nước phát triển.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia phát thải khí CO2 nhiều nhất và dự kiến Ấn Độ cũng sẽ sớm thay thế Nga trở thành nước có lượng khí thải CO2 lớn thứ ba.
Năm ngoái, thế giới thải vào khí quyển 10 tỷ tấn CO2, trong đó khí thải từ đốt các nhiên liệu hóa thạch là 8,5 tỉ tấn, phần còn lại do việc chuyển đổi sử dụng đất đai, chủ yếu do phá rừng.
Lượng khí thải quá lớn này đã khiến mật độ CO2 trong khí quyển trong năm 2007 tăng thêm 2,2 phần triệu (ppm) lên 383 ppm, trong khi tốc độ tăng của năm 2006 là 1,8 ppm. Ở mức 383 ppm, lượng khí CO2 trong khí quyển đã cao hơn 37% so với “mức chuẩn” vào thời điểm bắt đầu cuộc Cách mạng công nghiệp trên thế giới.
Từ kết quả nghiên cứu này, GCP cảnh báo rằng sự tập trung CO2 hiện ở mức cao nhất trong suốt 650.000 năm, và điều đó đã tác động mạnh và sớm đến khí hậu.
Báo cáo của GCP có nhan đề “Tổng lượng khí CO2 năm 2007” được công bố đồng thời tại hai cuộc hội thảo ở Paris và Washington, khai mạc ngày 26/9. Các tác giả của báo cáo này gồm 8 nhà khoa học tham gia một dự án do Chương trình Địa – Sinh quyển quốc tế và Chương trình Nghiên cứu Khí hậu thế giới tài trợ.