ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Úc về “cacbon xanh” và vai trò của nó đối với biến đổi khí hậu, rừng nguyên sinh có khả năng lưu giữ C02 nhiều hơn gấp 3 lần so với ước tính trước kia và nhiều hơn 60% so với rừng trồng.
Có thể hiểu một cách đơn giản, cac-bon xanh là khối cac-bon được lưu giữ trong các khu rừng tự nhiên, cac-bon nâu được tìm thấy ở trong các khu rừng trồng công nghiệp hay trong các vườn ươm, cac-bon xám có mặt trong nguyên liệu hoá thạch và cac-bon lục có trong các đại dương.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Quốc gia Úc cho biết, cho đến nay vai trò của các khu rừng nguyên sinh và sinh khối cac-bon xanh của các khu rừng này chưa được đánh giá đúng mức trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên của trái đất. Các nhà khoa học cho rằng Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) và Nghị định thư Kyoto đã không nhận ra sự khác biệt về khả năng hấp thụ cac-bon giữa rừng trồng và rừng nguyên sinh
Báo cáo cho biết rừng nguyên sinh có thể hấp thụ lượng cac-bon nhiều gấp 3 lần so với ước tính hiện thời. Hiện nay, khả năng hấp thụ cac-bon của rừng được tính toán dựa theo rừng trồng. Chính sự khác biệt trong việc định nghĩa một khu rừng cũng dẫn đến việc đánh giá không đúng mức sinh khối cac-bon trong các khu rừng lâu năm.
Theo định nghĩa của IPCC, rừng là nơi có cây cao hơn 2 mét và tán cây bao phủ hơn 10% diện tích. Nhưng ở Úc, rừng được định nghĩa là một nơi có cây cao hơn 10 mét và tán cây phải bao phủ hơn 30% diện tích rừng.
Bản báo cáo cho biết thêm, những khu rừng chưa bị khai thác ở Úc có thể hấp thụ khoảng 640 tấn cac-bon trên 1 ha, thế nhưng theo ước tính của IPCC thì con số này chỉ khoảng 217 tấn cac-bon trên 1 ha.
Còn theo tính toán của các nhà khoa học, nếu những khu rừng bạch đàn ở phía Đông Nam Australia không bị xâm phạm thì với diện tích 14,5 triệu ha rừng, sẽ có 9,3 tỉ tấn cac-bon được lưu trữ trong đó. Nhưng theo cách tính toán của IPCC thì lượng cac-bon trong những khu rừng bạch đàn này chỉ đạt khoảng 1/3 con số các nhà khoa học đã đưa ra và chỉ bằng 27% sinh khối cac-bon của các khu rừng này.
Rừng tự nhiên không chỉ hấp thụ nhiều cac-bon hơn rừng trồng mà chúng còn lưu giữ được cac-bon lâu hơn bởi vì rừng tự nhiên được bảo vệ trong khi rừng trồng bị khai thác một cách luân phiên.
Brendan Mackey, thành viên của nhóm tác giả nhận xét việc bảo vệ rừng tự nhiên sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giữ được một bể hấp thụ cac-bon lớn, vừa ngăn chặn việc giải phóng cac-bon trong rừng ra ngoài.
Ước tính lượng các bon lưu giữ trong sinh khối và đất khoảng gấp 3 lần lượng cac-bon có trong khí quyển. Và khoảng 35% khí nhà kính trong khí quyển là hậu quả của nạn phá rừng trong quá khứ và 18% lượng phát thải khí này hàng năm là do nạn phá rừng liên tục. Do đó, “duy trì lượng cac-bon lưu giữ trong các khu rừng tự nhiên đồng nghĩa với việc ngăn chặn lượng cac-bon gia tăng do đốt nhiên liệu hoá thạch”.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, những khu rừng bị chặt phá giảm hơn 40% lượng cac-bon hấp thụ so với những khu rừng không bị chặt phá. Phần lớn lượng cac-bon sinh khối trong các khu rừng tự nhiên được giữ trong sinh khối gỗ của những cây cổ thụ lớn. Việc phá rừng vì lợi ích thương mại làm thay đổi cơ cấu niên đại của rừng, mức tuổi trung bình của cây cối trong rừng bị giảm đi rất nhiều và khả năng hấp thụ cac-bon cũng giảm.
Vì thế, sinh khối cac-bon trong các khu rừng chuyên dụng để lấy gỗ cũng như trong các khu đồn điền độc canh sẽ luôn luôn thấp hơn đáng kể so với sinh khối cac-bon ở các khu rừng tự nhiên không bị xâm phạm.
Các nhà khoa học còn cho biết, nếu chúng ta ngăn chặn được nạn chặt phá khu rừng bạch đàn ở Đông Nam Úc thì sẽ tương đương với việc ngăn ngừa phát thải 460 triệu tấn khí CO2 mỗi năm cho 100 năm tới.
Kết luận bản báo cáo, các nhà khoa học cảnh báo rằng: “Ở Úc và có lẽ là trên toàn thế giới, khả năng hấp thụ cac-bon của các khu rừng tự nhiên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì thế sẽ dẫn sự sai lệch trong các đánh giá về giá trị kinh tế và ảnh hưởng đến việc lựa chọn chính sách”.