ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực không chỉ với con người mà còn với môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Trước vấn đề đó, giữa các nhà khoa học trên thế giới đang có một cuộc tranh luận rất gay gắt về vấn đề liệu có nên cho các loài động vật bị ảnh hưởng bởi ấm lên toàn cầu di cư đến một môi trường sống mới không.
Sự nóng lên của Trái đất khiến nhiều loài động thực vật ở khu vực nhiệt đới có xu hướng di chuyển đến những vùng cận cực hay vùng núi cao để tìm ra môi trường sống mới dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, không phải loài nào cũng có khả năng tự di chuyển để đối phó với biến đổi khí hậu. Các rào cản tự nhiên như đồi núi, hoang mạc, các thành phố … hay chính sự săn bắt của con người đã khiến cho nhiều loài động vật không thể tự di chuyển đến nơi ở mới, và trong một tương lai không xa, chúng sẽ bị tuyệt chủng.
Xuất phát từ vấn đề này, nhiều nhà khoa học giờ đây đang phát triển một ý tưởng nhằm hỗ trợ cho sự di cư của các loài động vật, hay có thể hiểu là chủ động di chuyển các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu đến những nơi ở mới thích hợp hơn.
Ông Chris Thomas, một nhà nghiên cứu bảo tồn sinh vật học tại Trường Đại học York, Vương quốc Anh, đồng tác giả của ý tưởng này cho biết: “Một số loài sinh vật đang trên bờ tuyệt chủng do sự biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta thực hiện dự án này càng sớm thì cơ hội bảo tồn các loài sinh vật đó càng cao”.
Ông cũng cho biết việc di dời các loài sinh vật chỉ có thể áp dụng đối với các loài sinh vật đã được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng, và phải ở mức độ vừa phải mà con người có thể kiểm soát được.
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu và nhóm bảo tồn đa dạng sinh học đang rất hoài nghi về ý tưởng này. Họ cho rằng việc thực hiện ý tưởng này có thể giúp bảo vệ một số loài sinh vật độc đáo nhưng có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với những hệ sinh thái nơi chúng được nhập vào.
Trong lịch sử, loài người đã vấp phải những sai lầm nghiêm trọng khi tự ý di dời các loài sinh vật đến môi trường sống mới. Chẳng hạn như loài dây leo kudzu đang lan tràn khắp miền Nam nước Mỹ và loài cóc đang được phát tán khắp Australia. Những loài sinh vật ngoại lai này đã phá vỡ cân bằng vốn có của hệ sinh thái và gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà con người không thể kiểm soát nổi.
Ông Jason McLachlan, một nhà sinh thái học của Trường Đại học Motre Dame, Ấn Độ cho hay: Áp dụng mô hình “hỗ trợ nhập cư” trên quy mô rộng có thể phá hoại những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên trong hệ sinh thái và cảnh quan cụ thể. Việc làm này không chỉ gây ra những vấn đề về môi trường sống của các loài sinh vật bản địa mà còn có liên quan đến các vấn đề xã hội khác như pháp lý, quan niệm đạo đức, thẩm mỹ và cả về tình cảm”.
Biến đổi khí hậu đang từng ngày đe doạ sự tồn tại của nhiều loài sinh vật. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ thì nhiều loài động thực vật sẽ vĩnh viễn mất đi. Tuy nhiên, theo ông Patrick Gonalez, một nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu hiện đang làm việc cho một nhóm bảo tồn thiên nhiên ở Arlington thì kế hoạch di chuyển chủ động các loài sinh vật trên quy mô lớn là một kế hoạch chứa đựng nhiều rủi ro. Do đó, giải pháp này chỉ nên thực hiện trong trường hợp tất cả những biện pháp bảo tồn khác không đem lại kết quả. Ông cũng đưa ra một số biện pháp có thể áp dụng với độ an toàn sinh học cao hơn như: Tạo ra những nơi trú ẩn mới hoặc những hành lang liên kết giữa các vùng có rào cản tự nhiên nhằm giúp các loài có thể di chuyển và thích nghi một cách tự nhiên.