ThienNhien.Net – Cần phải sớm sửa đổi lại mức khởi tố trong hành vi phá rừng làm rẫy của Nghị định 159/ 2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ” – Đó là kiến nghị từ thực tế quản lý bảo vệ rừng ở Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên để góp phần ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn phá rừng làm rẫy đang rất phức tạp hiện nay.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng, năm 2007, bình quân mỗi vụ phá rừng làm rẫy (bị phát hiện và bị lập biên bản ), đối tượng vi phạm phá 1.764,7 m2 rừng. Từ đầu năm 2008 đến nay, diện tích rừng bị phá bình quân của mỗi vụ lên đến 3.993,9 m2, tăng gấp 2,27 lần.
Theo nhiều ban ngành có chức năng quản lý rừng và các chủ rừng, nghị định 159/ 2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được ban hành ngày 30/10/2007 thay thế cho Nghị định 139/2004/ NĐ – CP (cũng về nội dung này) được ban hành ngày 25/6/2004 đã mở rộng khung cho đối tượng vi phạm.
Cụ thể theo NĐ 139, các cơ quan chức năng phải khởi tố khi các đối tượng phá rừng làm rẫy phá vượt mức (mỗi vụ) 5.000 m2 đối với rừng đặc dụng, 7.500 m2 đối với rừng phòng hộ và 10.000 m2 rừng sản xuất. NĐ 159 lại quy định phải khởi tố khi các đối tượng phá trên 7.500m2 đặc dụng, trên 10.000 m2 rừng phòng hộ và trên 15.000 m2 rừng sản xuất.
Với tình hình phá rừng làm rẫy ở Tây Nguyên trong vài năm trở lại đây ngày càng tăng, thay vì phải “ siết chặt ”, nâng cao hiệu quả công tác giữ rừng thì Nghị định 159 ra đời lại “ mở rộng diện tích xử lý hành chính ” quá lớn như trên đã vô tình tạo khe hở rộng cho các đối tượng phá rừng chiếm đất, từ đó dẫn đến việc phá rừng làm rẫy càng gia tăng.
Rất nhiều chủ rừng ở Lâm Đồng cho biết với diện xử lý hành chính quá rộng như hiện nay, hầu hết các đối tượng phá rừng làm rẫy đều biết “ tha hồ ” phá dưới mức khởi tố. Nạn phá rừng đang rất phức tạp, diện tích bị phá tăng vọt song chưa có một đối tượng nào bị khởi tố vì phá rừng “ vượt khung ”.
Trong khi đó, mức xử phạt hành chính ( chủ yếu là phạt tiền ) cũng khó thực hiện do phần lớn những đối tượng phá rừng “ không có điều kiện nộp phạt ” ( ? ). Hiện phần lớn rừng ở Lâm Đồng là rừng thông và chỉ cần tính theo định mức chuẩn của lâm sinh – mỗi ha rừng thông tối thiểu có 1.600 cây thông ( trên thực tế cao hơn nhiều ), tuy không phá “vượt khung” cũng đủ thấy mức thiệt hại lớn đến mức nào.