ThienNhien.Net – Trong các cuộc điều tra thực địa gần đây, nhóm khảo sát thực địa thuộc Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê đã có cơ hội quan sát trực tiếp mặt đối mặt với hai cá thể Rái cá lông mũi tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, Đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam. Người ta cho rằng Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana) là loài rái cá quý hiếm và ít được biết đến nhất trong số 13 loài rái cá trên thế giới.
Đây là lần đầu tiên sự hiện diện của loài Rái cá lông mũi được xác nhận tại Việt Nam kể từ năm 2000 đến nay. Vào những năm 1990, Rái cá lông mũi được coi là loài đã bị tuyệt chủng trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây loài động vật này được tái phát hiện tại Campuchia, Thái Lan, Sumatra của Indonesia và Borneo. Tại Việt Nam, ghi nhận gần đây nhất về loài rái cá này là do Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật tiến hành vào năm 2000 tại Vườn Quốc Gia U Minh Thượng.
Có rất ít thông tin về loài này vì vậy hiện tại chúng được liệt vào dạng Thiếu số liệu trong Sách đỏ của IUCN. Tuy nhiên, Nhóm Kế hoạch hành động Bảo tồn Rái cá thuộc IUCN đã xác định Rái cá lông mũi là loài có tầm quan trọng bảo tồn quốc tế. Trong Sách Đỏ Việt Nam (2007, Rái cá lông mũi cũng được liệt vào loài Nguy cấp (EN).
Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê đã và đang tiến hành khảo sát thực địa tại các khu rừng đất than bùn U Minh từ tháng 9 năm 2007 đến nay. Vào tháng 3 năm 2008, trong khi tiến hành điều tra động vật bằng phương pháp soi đêm, nhóm khảo sát đã phát hiện ra hai cá thể Rái cá lông mũi tại dọc một bờ kênh tại Vườn Quốc Gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.
Anh Nguyễn Văn Nhuận, cán bộ nghiên cứu thực địa thuộc Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê cho biết “Chúng tôi bắt gặp hai cá thể rái cá này trong khi chỉ đứng cách chúng chừng hơn 2m. Đây thực sự là một cơ hội hiếm có khi bắt gặp một loài thú quý hiếm như vậy trong tự nhiên”.
Ảnh: Richard Bull/Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê |
Nhận xét về tập tính sinh thái và vai trò của loài Rái cá lông mũi, anh Nhuận nói: “Rái cá lông mũi rất khó bắt gặp trực tiếp và hầu hết chúng hoạt động vào ban đêm. Chúng ăn cá, ếch nhái, các loài bò sát, và côn trùng. Sự tồn tại của chúng có mối quan hệ cực kỳ quan trọng đối với môi trường sống của chúng bao gồm các khu vực rừng đất than bùn và rừng ngập nước theo mùa,”
Việt Nam là nơi sinh sống của bốn loài rái cá, bao gồm Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Rái cá lông mượt (Lutra perspicillata), Rái cá thường (Lutra lutra), và Rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea). Bốn loài rái cá này đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi sự tác động đến sinh cảnh sống của chúng và nạn săn bắt để lấy da, làm thuốc và lấy thịt. Những tác động của con người đến môi trường sống của chúng như làm thay đổi các dòng sông, ô nhiễm nguồn nước, sử dụng các loại hoá chất diệt sâu bệnh hại bừa bãi và phá huỷ các khu vực đất ngập nước để khai thác gỗ và chuyển đổi sang đất canh tác nông nghiệp.
Được biết, Vườn Quốc Gia U Minh Hạ thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được bao phủ bởi một diện tích rừng hơn 8.000 hecta. Hệ sinh thái đất ngập nước than bùn của U Minh Hạ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp sinh cảnh cho nhiều loài chim, thú, và cá nguy cấp, sẽ nguy cấp và đe doạ tuyệt chủng như Rái cá lông mũi, Rái cá vuốt bé, Cầy Hương, Cầy Vòi Hương, Mèo Rừng, Tê Tê java, Khỉ đuôi dài, và Nai.
Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn Quốc Gia U Minh Hạ nhận xét: “Việc Rái cá lông mũi được tìm thấy tại Vườn Quốc Gia U Minh Hạ là một thông tin tuyệt vời. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê để tiếp tục tiến hành nghiên cứu quan trọng này,”
Anh Nguyễn Văn Nhuận cho biết thêm “Việc phát hiện loài Rái cá lông mũi trong khu vực này là một cơ sở vững chắc cho những đề xuất bảo tồn đối với Vườn Quốc Gia U Minh Hạ. Chúng tôi sẽ phối kết hợp chặt chẽ với Vườn Quốc Gia U Minh Hạ để xây dựng một phương hướng bảo vệ tốt nhất cho loài Rái cá lông mũi đang có nguy cơ bị tuyệt chủng này,”
Nhóm điều tra thuộc Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê hiện đang lập kế hoạch tiếp tục công việc khảo sát thực địa tại các khu rừng đất than bùn U Minh, đặc biệt là khu vực rừng đất than bùn và rừng tràm nằm giữa Vườn Quốc Gia U Minh Hạ và U Minh Thượng vì đây có thể là hành lang cho các loài động vật hoang dã di chuyển qua lại giữa hai khu bảo tồn
Việc nghiên cứu của Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và Tê tê tại Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện được nhờ sự tài trợ của Chương trình Lãnh đạo Bảo tồn thuộc BP (BP Conservation Leadership Program), Vườn thú Houston và Vườn thú Minnesota, Hoa Kỳ.