ThienNhien.Net – Ngày 28/08/2008 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 90/2008/TT-BNN hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.
Thông tư hướng dẫn cụ thể các biện pháp xử lý đối với từng nhóm động vật thuộc Danh mục các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong nước, đính kèm Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; Những loài quy định tại các Phụ lục I, và II của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Các loài động vật rừng thông thường.
Đối với tang vật tịch thu là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm 1A Nghị định 32, nếu tang vật còn sống sẽ áp dụng các biện pháp sau đây theo mức độ ưu tiên giảm dần: thả lại nơi cư trú tự nhiên, chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật, chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, bán cho các vườn thú, đơn vị biểu diễn, cơ sở gây nuôi hợp pháp và tiêu hủy.
Nếu là tang vật đã chết hoặc là bộ phận cơ thể, sản phẩm của chúng, sẽ chuyển giao cho các cơ quan có liên quan như cơ quan khoa học, bảo tàng chuyên ngành… để làm tiêu bản, chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc, hoặc tiêu hủy.
Tang vật tịch thu nếu là động vật rừng thuộc nhóm 2A của Nghị định 32 cũng sẽ áp dụng việc xử lý như trên, đồng thời bổ sung biện pháp “Bán lại cho các cơ sở đơn vi, cá nhân, cơ sở kinh doanh hợp pháp”
Đối với tang vật thuộc phụ lục CITES sẽ tiến hành trả lại nước xuất khẩu/ tái xuất khẩu hoặc áp dụng các biện pháp xử lý như đối với các nhóm tang vật thuộc Danh mục 1A, 2A thuộc Nghị Định 32/206/NĐ-CP.
Riêng đối với tang vật là động vật rừng thông thường, việc xử lý đơn giản hơn: thả lại nơi cư trú (nếu là động vật sống), bán cho các đơn vị kinh doanh hợp pháp hoặc tiêu hủy.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý tang vật là người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính tịch thu tang vật đó. Trong trường hợp có liên quan đến việc trả lại tang vật cho nước xuất khẩu/tái xuất, người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính tịch thu tang vật phải có văn bản đề nghị Giám đốc cơ quan quản lý CITES Việt Nam trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ra quyết định tịch thu để xem xét quyết định việc trả tang vật cho nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES.
Trong Thông tư mới cũng quy định rõ các điều kiện, thủ tục cũng như nguồn kinh phí cho quá trình xử lý.