ThienNhien.Net – Lào Cai đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch ba loại rừng từ cuối năm 2007, với 201.980 ha đất rừng sản xuất (rừng kinh tế), tăng 50.482 ha, chiếm 48% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Thế nhưng, đã gần một năm trôi qua, cơ quan chức năng của tỉnh chưa giao được một ha đất rừng sản xuất nào cho người dân và các tổ chức.
Thôn Cố Hải, huyện Bảo Thắng có 86 hộ, với 345 nhân khẩu, nằm dọc quốc lộ 4E, là một điển hình của huyện về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1991), người dân ở đây đã sử dụng đất lâm nghiệp được Nhà nước giao theo Chương trình 327 để trồng cây kinh tế như mỡ, bồ đề, keo, tram nhằm hình thành vùng nguyên liệu gỗ cung cấp vật liệu làm nhà cửa, làm bột giấy.
Trưởng thôn Bùi Văn Khánh cho biết, hầu như tất cả dân ở đây đều sống bằng nghề rừng và giàu lên nhờ rừng, đã có những hộ trồng gần 20 ha mỡ, quế, keo lai. Họ đều khẳng định: Nếu được Nhà nước giao đất rừng sản xuất theo hướng ổn định, lâu dài, lại được hưởng thêm chính sách ưu đãi 2 triệu đồng/ha trồng rừng kinh tế theo đề án của tỉnh thì chắc chắn chúng tôi sẽ “sống vui, sống khỏe” bằng nghề này.
Ông Bùi Văn Khánh – một trong những chủ rừng lớn trước đây ở Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) nói, gỗ bây giờ rất có giá do công nghệ chế biến phát triển và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, được giao đất lâu dài để trồng rừng và được chủ động khai thác, sử dụng, mua bán sản phẩm rừng kinh tế, người dân chúng tôi sẽ yên tâm và đầu tư chiều sâu vào trồng rừng để xóa đói nghèo, làm giàu.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, vướng mắc nhất trong việc chậm giao đất trồng rừng sản xuất cho người dân ở Lào Cai hiện nay là cơ quan chuyên môn chưa cắm được mốc giới ba loại rừng (phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất) trên thực địa. Ở thôn Bản Pho, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, rất nhiều bà con dân tộc Dao muốn được nhận đất trống để trồng mỡ, xoan, tre Bát Ðộ, nhưng xã vẫn không thể giao được, vì chưa có mốc giới cụ thể xác định diện tích đất rừng sản xuất để giao cho dân.
Hiện Lào Cai còn 97.359 ha đất rừng sản xuất do UBND xã quản lý đang cần được giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để trồng rừng kinh tế, nâng cao thu nhập. Liên bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Tài chính mới có Thông tư hướng dẫn cụ thể việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDÐ), khoán đất trồng rừng cho tổ chức và cá nhân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ngành chức năng tỉnh cho biết, do thiếu nhân lực và kinh phí nên mặc dù đã phân loại và xác định chính xác diện tích đất rừng sản xuất, song chúng tôi và chính quyền huyện, xã vẫn chưa giao được đất cho người dân.
Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Lào Cai đã xây dựng đề án nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp ở địa phương, thông qua giải pháp tăng diện tích và sản lượng lâm sản rừng trồng, gắn với đầu tư nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đưa rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, tỉnh tập trung trồng mới trên 16.000 ha rừng kinh tế, đến năm 2010 nâng tổng số rừng kinh tế toàn tỉnh lên 191.000 ha, quy hoạch ở các khu vực thuận lợi cho việc sản xuất, thâm canh, khai thác, vận chuyển, gần nhà máy chế biến. Tỉnh quy hoạch ba vùng phát triển kinh tế lâm nghiệp trọng điểm là Bảo Thắng: chế biến ván lạng, ván sàn và gỗ công nghiệp, với 50.000 ha rừng kinh tế cung cấp nguyên liệu; Vùng Bảo Yên: chế biến bột giấy, với 15.000 ha rừng nguyên liệu và vùng Văn Bàn: sản xuất giấy đế và sản phẩm có nguồn gốc rừng tự nhiên, với khoảng 70.000 ha rừng nguyên liệu. Lào Cai phấn đấu đạt mục tiêu: giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 10%/năm, đạt tỷ trọng 40% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tăng độ che phủ rừng lên 47% vào năm 2010, đưa việc phát triển rừng thành mũi nhọn kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho 60% dân số nông thôn đang sống gắn bó với rừng.
Để đạt được mục tiêu này, Lào Cai cần khẩn trương xác định địa giới, để giao nhanh đất rừng sản xuất cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trồng rừng kinh tế. Ðối với diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên, tiến hành xây dựng phương án điều chế rừng, khai thác theo phương thức quản lý bền vững.
Ðối với rừng tự nhiên nghèo kiệt, tiến hành làm giàu, nâng cao chất lượng rừng bằng trồng bổ sung những loại cây có giá trị kinh tế và lâm sản ngoài gỗ. Ðối với rừng trồng hiện có, khuyến khích đầu tư, chăm sóc, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang thành rừng trồng gỗ lớn, phục vụ chế biến đồ mộc dân dụng và hàng mỹ nghệ xuất khẩu.
Ðối với diện tích đất trống quy hoạch rừng sản xuất, đẩy mạnh trồng rừng theo phương thức thâm canh để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu công nghiệp chế biến và đồ gỗ gia dụng; khuyến khích trồng các loại cây đa mục đích và lâm sản ngoài gỗ; sử dụng nguồn giống có chất lượng cao để tăng năng suất rừng trồng./.