Thành phố Hồ Chí Minh, nước thải sinh hoạt được xử lý

ThienNhien.Net – Nước thải sinh hoạt không được xử lý mà thường được xả thải trực tiếp ra môi trường theo hệ thống thoát nước ở các thành phố lớn là hiện trạng chung của các đô thị lớn ở Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh được coi là địa phương đi tiên phong trong xử lý nước thải sinh hoạt.


Trước đây khi mật độ dân cư còn thấp, khả năng chịu tải của môi trường lớn, thời gian tự làm sạch nhanh. Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp một cách quá mức như hiện nay làm cho khả năng làm sạch của môi trường không còn nữa. Hiện nay với dân số lên đến gần 10 triệu người và hầu hết sông kênh, rạch đã bị ô nhiễm, đặc quánh chất thải, thì thiên nhiên đã không thể giúp con người “trôi rửa” nước thải. Đã đến lúc con người phải tự giải quyết vấn đề của mình.

Từ năm 2004, TPHCM đã nhận thức được vấn đề này và bắt đầu triển khai một kế hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho toàn thành phố. Nhà máy xử lý nước thải ở huyện Bình Chánh thuộc dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé, kênh Đôi-Tẻ… là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên nằm trong kế hoạch nêu trên của thành phố được khởi công xây dựng. Qua hơn 2 năm triển khai, hiện nhà máy này đã hoàn thành được đến hơn 95% khối lượng công việc và đang tiến hành vận hành thử, chuẩn bị cho việc tiếp nhận và xử lý nước thải vào đầu năm 2009.
 
Nhà máy xử lý nước thải ở huyện Bình Chánh có công suất xử lý (giai đoạn 1) lên tới 141.000 m³ nước thải/ngày, đêm. Nước thải sinh hoạt ở địa bàn các quận 1, 5, 8 nằm trong lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-kênh Đôi-Tẻ sẽ được thu gom qua một hệ thống cống thu nước thải riêng, hoàn toàn tách biệt với hệ thống thoát nước mưa hiện nay, để đưa về nhà máy xử lý.

Hiện nay hệ thống cống thu gom cũng đang được triển khai xây dựng trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Trần Đình Xu… song hành với nhà máy với tiến độ đã đạt khoảng 80%.

Công nghệ được áp dụng trong các nhà máy xử lý nước thải sẽ không dùng quá nhiều hóa chất gây hại cho môi trường mà chủ yếu dùng các vi sinh, kích thích quá trình phân hủy. Phần nước, sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam sẽ được xả ra kênh, rạch, còn phần bùn, đất và rác sẽ được chế biến thành phân vi sinh, phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố.

Dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè đang được triển khai xây dựng cũng đã có một kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Cát Lái vào phân kỳ đầu tư thứ 2. Hiện nay, ở phân kỳ đầu tư thứ 1, dự án mới chỉ xây dựng một trạm bơm để lắng, lọc bùn, rác thu gom từ các khu dân cư trong lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước khi thải nước ra sông Sài Gòn.

Dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm trong phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 cũng vậy, chưa có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc dự án, điều này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2. TPHCM đang nỗ lực tìm nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà máy.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên trong giai đoạn đầu thực hiện: cải tạo kênh, rạch cũng chưa có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải như 2 dự án trên nhưng hạng mục này cũng sẽ đưa vào giai đoạn đầu tư sau.

Cùng với các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho từng lưu vực, TPHCM cũng đang khẩn trương, quyết liệt yêu cầu các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Và song hành đó là việc nạo vét và khơi thông dòng cho hệ thông kênh, mương vốn đang đặc nghẹt vì rác của thành phố. Như vậy, hứa hẹn trong một tương lai không xa, môi trường nước ở TPHCM sẽ được cải thiện.