ThienNhien.Net – Với tham vọng thuyết phục các công ty và người tiêu dùng giảm phát thải khí nhà kính, Nhật Bản dự kiến sẽ áp dụng việc dán nhãn “Dấu ấn các-bon” lên bao bì thực phẩm và các sản phẩm khác từ năm 2009.
Chiến dịch này của Nhật hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nỗ lực đầu tiên thuộc về Bộ Thương mại Nhật khi cho áp dụng nhãn “Dấu ấn các-bon” trên bao bì một loại sản phẩm khoai tây chiên. Lượng CO2 của riêng một gói là 75g trong đó 44% là từ việc trồng khoai tây, 30% từ quá trình sản xuất, 15 % từ việc đóng gói bao bì sản phẩm, 9% từ việc giao chuyển và 2% từ việc tiêu hủy bao bì.
Các chuyên gia của Nhật cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu và thảo luận để thiết lập tiêu chuẩn đồng bộ ở cấp quốc gia, tránh tình trạng mỗi công ty tự “sáng tác” cho mình một tiêu chuẩn riêng giành phần lợi về mình.
Các nhà quản lý của Nhật hy vọng trong Hội chợ những sản phẩm thân thiện với môi trường tại Tokyo vào tháng 12 tới sẽ có khoảng 30 công ty trưng bày những sản phẩm có dán nhãn “Dấu ấn các-bon” và mẻ hàng đầu tiên sẽ xuất hiện tại các siêu thị vào đầu tháng tư năm 2009. Hiện nay, ít nhất đã có Sapporo – hãng bia số 1 của Nhật – cam kết sẽ tự nguyện dán nhãn sinh thái lên những sản phẩm nổi tiếng của mình.
Vào cuối năm nay các công ty của Nhật sẽ thử nghiệm một hệ thống trao đổi các-bon dựa theo khuôn mẫu của Liên Minh Châu Âu. Chính phủ Nhật đã đề ra kế hoạch áp dụng công nghệ thu giữ các-bon (lưu trữ lại lượng các-bon do các nhà máy và các nhà máy điện thải ra) vào năm 2020 và cam kết giảm 80% lượng phát thải khí các-bon vào năm 2050.
Với sáng kiến “Làm mát trái đất” (kêu gọi người tiêu dùng tiến hành một “cuộc cách mạng giảm lượng phát thải CO2” trên quy mô toàn cầu) của thủ tướng Fukuda, Nhật Bản tin tưởng rằng nước này có thể giảm 14% lượng phát thải khí cacbon vào năm 2020 mặc dù các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho rằng phải cắt giảm khoảng 40% thì mới có thể tránh được những thảm hoạ về môi trường.
Với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tại Kyoto năm 1997, Nhật Bản đang gặp phải những áp lực ngày càng gia tăng trong việc áp dụng những thành tựu công nghệ và giáo dục người dân để khuyến khích một xã hội ít ô nhiễm. Thế nhưng việc thực hiện được cam kết giảm lượng phát thải khí CO2 6% so với mức năm 1990, hoàn thành vào năm 2012, như đã nêu trong nghị định thư Kyoto, là một thách thức đối với quốc gia này.
Mặc dù chính sách dán nhãn là tự nguyện nhưng có một vài công ty lại không muốn vượt trước các đối thủ cuả mình trong cuộc chạy đua trên thị trường về những sản phẩm thân thiện với môi trường như siêu thị Aeon, chuỗi bách hoá Lawson và Seven – Eleven và công ty sản xuất đồ điện tử Matsushita.
Trong khi đó, hầu hết mọi người vẫn chưa biết thuật ngữ “Dấu ấn các-bon” có nghĩa là gì hoặc vẫn còn thái độ dửng dưng với những sản phẩm có dán nhãn sinh thái này. Theo một nghiên cứu gần đây, 80% người mua hàng cho biết họ sẽ không chi thêm khoảng 2000 Yên (khoảng 10 Bảng Anh) mỗi tháng cho những phương tiện tiết kiệm năng lượng và những sản phẩm thân thiện với môi trường.