Giải pháp sinh thái cho vựa cói Nga Sơn

ThienNhien.Net – Nga Sơn được biết đến như cái nôi của nghề cói. Cây cói và những sản phẩm cói đã đi vào nếp sống của từng gia đình và trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng. Sự gắn bó của Nga Sơn với nghề truyền thống gần đây càng được tiếp thêm sức mạnh khi người dân được tiếp nhận kỹ thuật thâm canh mới mang lại sự phát triển bền vững hơn cho cây cói.

Thanh Hoá là tỉnh có diện tích trồng cói lớn nhất nước ta, với Nga Sơn là huyện trồng nhiều cói nhất. Diện tích cói của Nga Sơn chiếm trung bình 65 – 72 % tổng diện tích trồng cói của toàn tỉnh và 19 – 25% tổng diện tích cói của cả nước.

Mặc dù cây cói được coi là sản phẩm hàng hoá bản địa đặc biệt của người dân vùng ven biển nhưng cho đến nay địa phương vẫn chưa có qui trình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cói phù hợp, chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm của người dân. Trong việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, liều lượng và số lần bón phân cho cói rất khác nhau giữa các khu vực và giữa các hộ gia đình.

Mặt khác, trong những năm gần đây, cây cói xuất hiện nhiều loại sâu bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cói thương phẩm. Để khắc phục tình trạng này người dân đã tự phát sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn, thậm chí sâu bệnh hại có chiều hướng ngày càng tăng.

Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu trong nước và thế giới đối với các sản phẩm được làm từ cói không ngừng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu đó, người dân đã không ngừng đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu để nâng cao năng suất và chất lượng cói thương phẩm.

Theo kết quả điều tra bước đầu của các nhà khoa học trường ĐH Nông nghiệp I – Hà Nội (12/2005), lượng phân bón mà người dân đang áp dụng hiện nay gấp 2 – 3 lần so với nhu cầu của cây cói. Người dân sử dụng phương pháp bón vãi bề mặt nên hiệu quả sử dụng phân bón rất thấp, khoảng 20 – 30%.

Mặt khác, đặc điểm tưới nước của cây cói là “tưới tràn, tháo kiệt”, do vậy phần lớn phân bón và thuốc trừ sâu bị rửa trôi bề mặt và thấm sâu gây ô nhiễm đất, nước, làm suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Để phát triển nghề trồng cói một cách hiệu quả và bền vững, trong năm 2006 – 2007, các cán bộ nghiên cứu của trường ĐH Nông nghiệp I đã triển khai dự án bón phân viên nén dúi sâu cho cói tại 4 xã của huyện.

Điểm khác biệt cơ bản của biện pháp này so với phương pháp bón vãi truyền thống là các loại phân được nén lại dưới dạng viên, sau đó được dúi sâu 5 – 7cm trong đất.

Lợi ích của biện pháp bón phân này mang lại rất lớn: Tiết kiệm được thời gian lao động vì chỉ bón 1 lần duy nhất thay vì phải bón 3- 4 lần như trước đây, hạn chế được hiện tượng rửa trôi phân bón theo bề mặt, cây cói được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong suốt quá trình sinh trưởng, cói có màu sắc và chất lượng tốt hơn. Với phương pháp này, người dân có thể giảm được 20 – 30 kg phân bón/sào/năm.

Con số sẽ là không nhỏ nếu như phương pháp này được nhân rộng tại các vùng trồng cói của Nga Sơn (với tổng diện tích cói 3.460 ha năm 2005) cũng như các vùng trồng cói khác trong cả nước. Mặt khác, đây là loại phân bón mà người dân có thể tự sản xuất tại địa phương vừa hạ được giá thành sản phẩm và sử dụng lao động tại chỗ có hiệu quả.

Theo các nhà nghiên cứu của trường ĐH Nông nghiệp I, loại phân bón này có giá thành thấp hơn các loại phân khác từ 15% -20% với tỷ lệ N:P:K tương đương. Hơn nữa người dân có thể tự sản xuất ở qui mô nhỏ, vừa chủ động trong sản xuất vừa giải quyết lao động nông nhàn.