ThienNhien.Net – Dự án hỗ trợ mỗi trẻ em có một máy tính xách tay (OLPC) hứa hẹn đem lại nhiều tiện ích giáo dục hơn, đặc biệt nhằm cải thiện và nâng cao tri thức của trẻ em nghèo trên thế giới. Nhưng dự án này cũng đang vấp phải những lời chỉ trích cáo buộc xung quanh các mối đe doạ tiềm ẩn đằng sau sự cạnh tranh giữa các tập đoàn công nghệ trên thế giới.
Dự án mỗi trẻ em một máy tính xách tay (gọi tắt là OLPC) được phổ biến ở rất nhiều nơi. Dự án này được thai nghén bởi ý tưởng của Nicholas Negroponte, trưởng phòng nghiên cứu truyền thông tại Đại học Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Mỹ; và được giới thiệu trong Hội thảo Kinh tế quốc tế tổ chức vào tháng 01/2005.
Theo đó, OLPC đã thiết kế một chiếc máy tính xách tay dành riêng cho trẻ em ở các nước nghèo với giá dưới 200 USD. Máy mang tên XO, bao gồm nhiều tính năng vượt trội. Nó tuy có vẻ thô cứng nhưng không thấm nước và rất bền. Nó có thể chạy bằng năng lượng mặt trời, mạng không dây băng rộng, pin có tuổi thọ cao và sử dụng bộ nhớ flash thay vì dùng ổ cứng. Đặc biệt đối với giới trẻ, nó trông như một món đồ chơi thông minh với hàng loạt tính năng thân thiện với trẻ em như soạn nhạc và chương trình tán gẫu.
Những chiếc máy tính này đang được sản xuất tại xưởng máy vi tính Quanta của một công ty Đài Loan và đã nhận được hàng loạt đơn đặt hàng từ các quốc gia như Peru, Uruguay và Mexico – nơi nhà tỉ phú, doanh nhân địa phương Carlos Slim đã trao tặng 50.000 chiếc máy tính xách tay cho học sinh. Một số nước khác bắt đầu nhập khẩu với số lượng ít hơn như Brazil, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan và Thái Lan.
Quảng cáo để mở rộng ra phạm vi toàn toàn thế giới, OLPC đã triển khai chương trình mang tên “Cho một, được một” tại Mỹ, nơi mà khách hàng sẽ trả 399 USD cho một chiếc máy tính xách tay và gửi một chiếc máy tính xách tay khác đến một đất nước đang phát triển như Rwanda hay Afghanistan,… Thông qua chương trình này, 160.000 chiếc máy tính xách tay đã được bán sạch, thu về lợi nhuận là 35 tỉ USD.
Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh dự án này, việc trẻ em ở những nước nghèo sử dụng máy vi tính mà không được giám sát chặt chẽ liệu có lợi gì? Nhiều thí nghiệm đã được kiểm chứng, bất kể nơi sinh sống hầu hết trẻ em nghèo đều có lợi khi tiếp cận sớm với máy vi tính.
Công ty đào tạo NIIT của Ấn Độ đã phát triển ý tưởng này trong dự án “Lỗ hỗng trên tường” bằng cách cho lắp đặt quán dịch vụ máy vi tính giữa những khu ổ chuột của Delhi và “đặt trộm” hệ thống camera theo dõi. Kết quả thu được đã làm chúng ta phải sửng sốt. Chỉ trong vài giờ, trẻ em ở vùng đó, phần lớn là mù chữ và bỏ học đã học được cách thao tác con chuột (máy tính). Trong vòng vài tuần, chúng đã sử dụng được các chương trình ứng dụng, thay đổi cài đặt màn hình và lướt web.
Dự án OLPC đã đem lại nhiều hy vọng cho trẻ em nghèo được tiếp cận với nền công nghệ thông tin và giúp chúng có khả năng phát triển hơn nữa. Dự án đã nhận được nhiều sự đồng tình và ủng hộ của hàng tỷ người trên thế giới.
Song, cái gì cũng có mặt tốt và xấu, dự án OLPC không hẳn là không có lời dèm pha, khi mà những lời chỉ trích liên quan đến việc giá cả những chiếc máy tính xách tay liệu có đảm bảo về nguyên nhiên liệu làm ra chúng? Trước hết là đã có những mối lo ngại vệ những tác động tiềm tàng đối với môi trường mà đáng lưu ý là việc sử dụng các nguyên vật liệu nguy hiểm trong máy vi tính, dù cho OLPC đã tuyên bố rằng họ đang tích cực sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường và máy vi tính do họ sản xuất sẽ tuân thủ đúng quy định của liên minh châu Âu – EU về chất độc hại. Họ cũng nhấn mạnh rằng máy vi tính sẽ cực kỳ tiết kiệm năng lượng.
Nhiều người dân Mỹ đã phản đối ý tưởng này vì họ cho rằng vấn đề nước sạch và trường học quan trọng hơn việc bỏ ra một khoản tiền khổng lồ trong khi nền kinh tế Mỹ đang gặp phải những vấn đề khó khăn như hiện nay, để làm một dự án liều lĩnh chưa được chứng minh rõ ràng.
Không chờ đợi những tranh luận ngã ngũ, hàng loạt cuộc cạnh tranh đã diễn ra. Tại Ấn Độ, Bộ Phát triển Nguồn nhân lực đã tuyên bố về kế hoạch sản xuất máy tính xách tay cho học sinh với chi phí chỉ có 10 USD và đã có những mẫu thiết kế được đệ trình cho trường đại học với chi phí sản xuất dưới 50 USD dù kích thước khá nhỏ.
Muhammad Yunus, người đã từng đoạt giải Nobel, người sáng lập ngân hàng Grameen, tin rằng sẽ có rất nhiều quốc gia hướng đến việc cung cấp những chiếc máy vi tính giá rẻ. Theo xu thế này, sẽ có rất nhiều nhà sản xuất nhảy vào lĩnh vực sản xuất dòng máy tính xách tay giá rẻ. Người ta không ngạc nhiên khi ban đầu, OLPC vấp phải sự phản đối của Microsoft, bởi vì OLPC đã chọn hệ điều hành mở Linux. Tuy nhiên, sau này chính Microsoft và một số công ty khác gồm AMD, Google, Quanta Computer và Intel đã bắt tay hợp tác.
Tập đoàn khổng lồ về chíp điện tử Intel mới đây xin rút khỏi nhóm hợp tác với lý do “bất đồng quan điểm”, tuy nhiên họ cũng đang phát triển dòng máy tính xách tay giá rẻ cho trẻ em, có tên gọi là “Classmate” – Bạn cùng lớp.
Chính tiềm năng lợi nhuận thu về từ dự án máy tính xách tay này đã tạo ra sự cạnh tranh đầy khốc liệt giữa các tập đoàn sản xuất và cung cấp dịch vụ. Ý tưởng từ dự án của OLPC là tốt nhưng người ta đã lạm dụng nó (của các nhà sản xuất trên thế giới) để kiếm lời bằng việc sản xuất càng nhiều và bán được càng nhiều dòng máy tính xách tay giá rẻ – trong khi nguyên nhiên liệu đầu vào cho việc sản xuất chưa được kiểm chứng. Không ai dám chắc những thành phần được tái sử dụng đảm bảo sức khoẻ cho khách hàng cuối cùng và người ta sẽ thực hiện tốt việc xử lý rác thải độc hại sau sản xuất và tiêu dùng.