ThienNhien.Net – Dự án mã vạch sự sống quốc tế (iBOL) nhằm mục đích thiếp lập một thư viện toàn diện các sinh vật có nhân chuẩn dựa trên một dạng phân tích mới gọi là “mã vạch ADN”. Công nghệ này cho phép việc xác định loài nhanh chóng, chỉ cần một chuỗi ADN ngắn – một vùng “mã vạch” chuẩn.
Người ta kỳ vọng chương trình sẽ được chạy thử vào tháng 02/2009. Trong 5 năm đầu tiên, công nghệ này sẽ được dùng để lập danh mục khoảng 5 triệu mẫu sự sống; đại diện 500.000 loài trên toàn cầu. Đây là một nhóm đáng kể trong tổng số 1,7 triệu loài mà con người biết đến hiện nay, và hy vọng sẽ thúc đẩy việc khám phá ra rất nhiều loài còn chưa được biết đến.
Các nhà khoa học sẽ phát triển hệ thống mã vạch hóa ADN, cho phép việc xác định nhanh chóng các loài và đánh dấu những mẫu mà khoa học còn chưa biết đến. Một thiết bị cầm tay sẽ cho phép bất cứ ai, ở bất cứ đâu, lấy phân tích mã vạch của một mẫu bất kỳ – chẳng hạn lá một loài cây lạ ở Amazon – và trong vòng vài phút được liên kết đến cơ sở dữ liệu để tiến hành phân tích.
Với ưu thế về tốc độ, mã vạch hóa sẽ trở thành một công cụ địa bàn hữu dụng. Các cảng hải quan sẽ sử dụng để khám phá ra việc di chuyển hàng cấm. An ninh quốc gia sẽ áp dụng vào việc tìm kiếm những tổ chức gây chiến tranh sinh học. Các nhà khoa học trong những khu rừng rậm xa xôi sẽ dùng nó để hoàn chỉnh những điều tra đa dạng sinh học khó khăn khác.
Bện cạnh việc đem lại những câu trả lời nhanh chóng, công nghệ này sẽ xóa đi những nghi ngờ của số ít những chuyên gia phân loại học của thế giới. Thời gian của những chuyên gia này thường hạn hẹp và việc phân loại các mẫu không thể chỉ đơn giản bằng mắt thường. Công nghệ này sẽ tiết kiệm một lượng thời gian lớn cho các nhà khoa học, thay vào đó họ sẽ có thời gian tiến xa trong nhiều khía cạnh khác.
Mã vạch ADN cũng đặc biệt quan trọng trong những lĩnh vực mà ở đó hệ thống phân loại truyền thống đã thất bại. Các phân loại truyền thống có một quy định rằng mẫu nghiên cứu phải là cá thể hoàn chỉnh trưởng thành. Điều này có nghĩa là nếu bạn chỉ có cái cánh của một con bọ, cái lông của một con vật nào đó hay đám rễ cây, bạn hoàn toàn không có cơ hội để phân loại chúng. Và bạn cũng sẽ không làm gì được nếu không có một mẫu trong dạng ấu trùng, hay ngay cả nguyên mẫu một con bọ cánh cứng cũng không giúp gì cho bạn nếu nó là con cái.
Do đó, khi mã vạch ADN xuất hiện sẽ giải quyết mọi bế tắc cũng như khó khăn trên, vì chuỗi mã vạch luôn giống nhau cho dù nó là từ một sợi tóc đơn hay một sinh vật nguyên vẹn, đực hay cái, ấu trùng hay cơ thể trưởng thành.
Tuy vậy, mã vạch ADN được chuẩn hóa cần có đủ thông tin để xác định tập tính của loài đó trong một tập hợp vô số loài. Và mỗi loài phải có một khác biệt nhất định nào đó trong các cặp đôi cơ sở của chuỗi ADN để phân biệt với các loài khác. Nhưng chuỗi không thể khác biệt quá nhiều trong một loài nhất định, vì điều đó sẽ dẫn tới lỗi phân loại vô tình. Chẳng hạn như hai chú khỉ sóc Amazon có thể cuối cùng lại bị xếp vào các loài khác nhau nếu vùng mã vạch của chúng khác với chuỗi đôi cơ sở một “lượng lớn”.
Dù có được dùng để khám phá ra một con bọ từ cái cánh, hay là giúp các nhà sinh vật học giải mã bí mật vùng Amazon xa xôi hay không, rõ ràng là công nghệ mã vạch ADN và Dự án mã vạch sự sống quốc tế sẽ là một giải pháp công nghệ hữu hiệu.