ThienNhien.Net – Bảo tồn những cánh rừng còn lại ở Công-gô cũng như toàn bộ khu vực Châu Phi và nỗ lực trồng mới thêm diện tích rừng đang là vấn đề sống còn đối với sự sinh tồn trên lục địa này khi sa mạc Sahara tiếp tục mở rộng về phía Bắc và sa mạc Kalahari đang ăn rộng về phía Nam.
Quỹ rừng Công-gô (CBFF) đã được thành lập tại Luân – Đôn vào ngày 17/06 với sự tài trợ ban đầu của chính phủ hai nước Anh và Na-uy nhằm bảo tồn những cánh rừng còn sót lại ở Công – gô nói riêng và châu Phi nói chung, đồng thời thúc đẩy việc trồng mới thêm diện tích rừng.
10 thành phố trung tâm tại châu Phi đã thiết lập chương trình “Khởi đầu cho rừng Công – gô” nhằm quản lý bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Rừng ở Công – gô là hệ thống rừng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau rừng Amazon. Đó là nguồn cung cấp thức ăn, nơi trú ngụ và tạo việc làm cho hơn 50 triệu người. Nó bao phủ khoảng 200 triệu héc ta và xấp xỉ 1/5 diện tích rừng nhiệt đới trên trái đất với sự giàu có về đa dạng sinh học. Không những thế, rừng tại Công – gô còn là nơi lưu trữ các-bon khổng lồ và có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu vùng.
Khu vực rừng mưa nhiệt đới ở Công – gô có diện tích rộng gấp đôi nước Pháp, là nơi cư trú của hơn 10.000 loài thực vật; 1000 loài chim và 400 loại động vật có vú.
Nhưng hiện nay, khu vực rừng mưa nhiệt đới này đang “nằm” trong tình trạng khẩn cấp. Chặt phá rừng gia tăng do sức ép của sự gia tăng dân số, thay đổi cơ cấu kinh tế và công nghiệp khai khoáng. Rừng suy kiệt gây ra những tác động xấu đến chính những cư dân sống ở đây, đe dọa nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động vật và góp phần làm biến đổi khí hậu trở nên khốc liệt hơn.
Xưa nay, những cánh rừng nhiệt đới trải rộng kéo dài vô tận trong suy nghĩ của nhiều người, nó được coi là nguồn tài nguyên quý giá nhưng một thực tế đáng buồn đang xảy ra, rừng ngày càng suy kiệt. Hai quốc gia chung quần đảo Hispaniola là
Tình trạng chặt phá rừng ở Công – gô đang gây ra những ảnh hưởng xấu tới các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Phi. Rừng nằm trên lãnh thổ một quốc gia nào đó nhưng giá trị của nó không chỉ phục vụ quốc gia đó mà bảo vệ cho tất cả chúng ta, cho thế giới này.
Những gì châu Phi cần làm không chỉ bảo vệ khu rừng bản xứ, mà còn phải quan tâm đặc biệt đến hiệu quả của việc trồng rừng. Con người hoàn toàn có thể trồng các cây thương mại phục vụ cho ngành sản xuất gỗ và ngành công nghiệp xây dựng.
Nhưng sẽ sai lầm nếu con người chặt phá rừng ồ ạt để nhanh chóng thu lợi kinh tế mà không mở rộng trồng các cây nông nghiệp. Khi chúng ta làm như vậy, nghĩa là chúng ta đang thu hẹp vùng sinh thủy cũng như nguồn cung cấp nước dồi dào cho nông nghiệp của những thế hệ mai sau.
Chúng ta sẽ mất đi tiềm năng khai thác nguồn năng lượng thủy điện và những lợi ích khác từ nước vì khi đó các dòng sông đã cạn khô. Rừng là một nguồn tài nguyên tái tạo, nhưng nếu ta “ăn” một cách vô tội vạ, không có tình toán thì rừng cũng sẽ mất. Không đơn thuần, chúng ta mất rừng mà chúng ta còn mất đi nhiều thứ hơn thế vì rừng là cội nguồn của nhiều lợi ích.