ThienNhien.Net – Chủ trương của Chính phủ phát triển thêm 100.000 ha cao su tại Tây Nguyên trong giai đoạn 2007 – 2010 mang tầm chiến lược nhằm phát triển kinh tế xã hội của vùng. Thế nhưng khi triển khai, nó đã bộc lộ nhiều bất cập.
Mục tiêu của Chính phủ trong chương trình chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cao su là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, mà đa số là dân nghèo của khu vực Tây Nguyên. Nhưng ngay từ đầu người dân đã không được tham gia vào các quá trình triển khai của dự án.
Giả sử có được tham gia nhưng nếu không được tạo điều kiện, chỉ căn cứ vào kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế thì người dân cũng không thể tham gia. Bởi trên thực tế giá của 1ha đất trồng cao su trên thị trường tự do luôn ở mức 50 – 100 triệu đồng. Thời gian bắt đầu thu hồi vốn thường sau 7 – 10 năm nếu không xảy ra rủi ro. Do vậy, với người dân mà đa số là dân nghèo thì đó là điều không thể. Như vậy có khác nào “đánh đố” người nông dân.
Thành ra, người dân chỉ có thể trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất mà mình đã sinh sống bao đời nay. Và thậm chí, khi chúng ta không có chế tài để buộc các chủ đầu tư phải sử dụng nguồn lao động địa phương, thì cơ hội để có cái việc làm nghe rất trái ngang ấy cũng trở nên khó khăn.
Chúng ta phải nhìn nhận như thế nào về quan điểm của UBND tỉnh Gia Lai khi đề xuất với Chính phủ: “Nên xem việc trồng cao su là trồng rừng, vì thực chất chuyển rừng nghèo sang trồng cao su là thay thế thảm thực vật này bằng thảm thực vật khác có giá trị kinh tế hơn”.
Mục tiêu kinh tế thì đã thấy rõ, song cũng thấy rằng các nhà quản lý không hề quan tâm đến vấn đề sinh thái môi trường cũng như văn hoá của rừng. Không thể coi việc “trồng cao su” có thể thay thế trồng rừng, bởi nếu vậy thì tại sao chúng ta lại phải tốn kém biết bao công sức và tiền của để thực hiện chương trình trồng 5 triệu ha rừng mà không thay vào đó là trồng 5 triệu ha “rừng cao su” hay các loại cây công nghiệp khác.
Trong 8 năm (1998 – 2005) thực hiện chương trình 5 triệu ha rừng chúng ta chỉ đạt 28,5% kế hoạch, tức là với thời gian 5 năm còn lại chúng ta phải thực hiện xong 71,5% công việc gần gấp 3 lần công việc trước đó với thời gian ngắn hơn. Như vậy, trong 8 năm đầu thực hiện mỗi năm chúng ta chỉ có thể trồng được 178.125 ha. Vậy mà, chúng ta lại có thể tàn phá đi 100.000 ha rừng chỉ trong một dự án. Phải chăng chúng ta đang đi ngược lại những mục tiêu của chính mình đã đề ra trước đó.
Theo kết quả của đoàn công tác liên ngành Chính phủ, các loại rừng lá rộng thường xanh có trữ lượng gỗ dưới 130 m3/ha, rừng khộp dưới 100m3/ha và rừng hỗn giao dưới 70m3/ha được coi là rừng nghèo. Nếu như chúng ta lấy con số ở đây là 70m3/ha, với việc khai thác trên diện tích 51.000 ha để trồng cao su thì khối lượng gỗ thu được là 3,57 triệu m3.
Đây là một con số khổng lồ bởi vì trong những năm qua với cố gắng của toàn ngành lâm nghiệp mỗi năm chúng ta chỉ khai thác được 2,5 triệu m3. Qua đó có thể thấy rằng qui chuẩn rừng nghèo mà chúng ta đề ra cần phải cân nhắc lại. Nếu chúng ta không muốn chứng kiến tình trạng phá rừng một cách có hệ thống sẽ diễn ra trên qui mô lớn.
Trong các chương trình nghị sự trên thế giới cũng như ở Việt Nam chúng ta luôn hô hào khẩu hiệu “phát triển bền vững”. Phải chăng việc “phá rừng trồng cao su” là một bước đi tiến tới sự bền vững đó. Để có những cánh rừng như hiện tại ở Tây Nguyên chúng ta phải mất 50 – 100 năm hoặc hơn thế.
Cho dù cây cao su có đạt được hiệu quả thì thời gian cho phép khai thác cũng không quá 20 năm. Sau khoảng thời gian đó đất đai đã bị vắt kiệt chất dinh dưỡng, cơ hội để chúng ta có thể phục hồi về trạng thái như trước là điều không tưởng.
Trong khi đó chúng ta luôn cho rằng tập quán du canh, du cư của đồng bào một số dân tộc là nguyên nhân tàn phá rừng nặng nề. Trong trường hợp này rừng vẫn còn cơ hội để phục hồi qua con đường diễn thế sinh thái. Còn cách thức mà chúng ta đang thực hiện lại tàn nhẫn hơn thế – bởi ở đây rừng không có cơ hội để phục hồi, Cho nên chúng ta cần phải điều chỉnh lại khái niệm “Phát triển bền vững” cho phù hợp với thực tại.
Không phải cho đến bây giờ cây cao su mới được trồng ở Tây Nguyên mà nó đã có hàng thế kỷ. Vậy thì tại sao người dân ở đây, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn nghèo. Đây mà một vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải giải đáp để có các chiến lược phát triển phù hợp và hiệu quả.
Từ trước tới nay cuộc sống của người dân ở đây luôn gắn bó với rừng, họ săn bắt, hái lượm các sản phẩm từ rừng, nước uống cũng từ rừng, thậm chí một số vùng người dân còn sử dụng cây thuốc thu hái từ rừng làm nguồn thuốc duy nhất để chữa bệnh.
Không những thế trong tiềm thức của người dân thì rừng còn chứa đựng các giá trị văn hoá và lịch sử. Cho nên bất cứ một dự án phát triển nào cũng đều phải quan tâm đến khía cạnh này, có như vậy mới đạt được hiệu quả lâu dài và bền vững.
Nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là đối với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cấp thiết. Nhưng các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề, phải xem xét nhóm người nào cần cái gì, tại sao, ai là người tham gia, đối tượng hưởng lợi… để đưa ra những quyết định thận trọng đáp ứng một cách tối ưu nhu cầu của xã hội và vấn đề bảo vệ môi trường. Mặc dù, hai vấn đề này rất dễ mâu thuẫn và thậm chí có thể triệt tiêu nhau.