ThienNhien.Net – Trung bình mỗi ngày có khoảng một trăm lượt người tiến vào khu rừng nghiến giáp ranh của xã Hảo Nghĩa huyện Na Rì (Bắc Kạn) để tranh đua khai thá, vận chuyển thớt gỗ nghiến trái phép. Anh Đặng Văn Thạch – Đội trưởng Tổ Kiểm lâm liên ngành gữa huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn và huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn đã thừa nhận như vậy.
Để chứng kiến cảnh “toàn dân làm lâm tặc” tại khu rừng nghiến núi đá của xã Hảo Nghĩa huyện Na Rì. Sáng 10/09, chúng tôi đã vượt gần 100 km đường rừng đèo dốc quanh co để đến thôn Thạch Lùng, xã Thiện Hoà, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) xem lâm tặc nơi đây đi phá rừng nghiến Bắc Kạn.
Tận mắt chứng kiến chúng ta mới thấy rõ cảnh lâm tặc “làm loạn” và xem thường cả các cơ quan chức năng. Phương tiện chúng sử dụng chủ yếu là xe máy. Mỗi chiếc xe máy chỉ chở một “lâm tặc” thì mới len lỏi tới tận cửa rừng. Từ đây, lâm tặc chỉ đi bộ khoảng 20 phút đã đến giữa bạt ngàn rừng nghiến cổ thụ xã Hảo Nghĩa.
Ông Lê Đức Thuận, cán bộ đội cơ động số 1 – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn đang được “biệt phái” sang Bình Gia (Lạng Sơn) để giữ rừng Bắc Kạn cho rằng: Việc giữ rừng tại đây là rất khó, bởi “toàn dân làm lâm tặc”, đông nhất là phụ nữ và trẻ em, nên Kiểm lâm canh giữ cửa rừng này, họ lại đi cửa rừng khác.
Người dân biết hàng trăm con đường mòn leo lên núi, trong khi cả đội Kiểm lâm liên ngành chỉ có 12 người (phía Bắc Kạn là 7 người, tỉnh Lạng Sơn có 5 người) thì không thể giữ được rừng.
Anh Lâm Trường Ngang – một người dân thôn Thạch Lùng xã Thiện Hoà, huyện Bình Gia (Lạng Sơn), sống gần nơi có rừng giáp ranh với xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì đã cho biết: “Người dân trong xã Thiện Hoà đang kháo nhau rằng, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đang chuẩn bị khai thác tận thu hàng nghìn m3 gỗ nghiến là “cây đổ gỗ nằm” trên đất rừng xã Hảo Nghĩa và Cư Lễ huyện Na Rì (Bắc Kạn). Thế là họ cũng đua nhau lên chặt phá rừng nghiến suốt hai năm qua là để tranh phần với.. Nhà nước!”.
Ông Hà Đức Giang, cán bộ lâm nghiệp xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì cho biết: Tôi đã mất rất nhiều thời gian, kể cả những đêm hôm lạnh lẽo đi vào rừng không được bật đèn, mò theo từng vách đá để đuổi bắt những kẻ phá rừng, có những ngày mưa, muỗi vắt “nhiều như bún” cũng phải vào rừng để đuổi lâm tặc… Thế nhưng, bao nhiêu cây nghiến trăm tuổi thuộc “cây đổ gỗ nằm” lại cho người chẳng trông giữ rừng ngày nào (tức Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam) được phép tận thu là bất công quá.
Cũng theo ông Giang, người dân nơi đây trông rừng từ nhiều đời, đáng lẽ họ phải được thừa hưởng thành quả mà cha ông họ đã bỏ ra. Chính việc làm suốt nhiều năm qua của ông Giang cũng là “kế thừa” truyền thống ông cha là trông giữ rừng để làm tài sản cho thế hệ mai sau, còn số tiền phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp cấp xã hàng tháng như thời gian qua, chẳng đủ để mua thẻ điện thoại di động, phục vụ việc tiếp nhận thông tin và chuyển tải thông tin đến cơ quan chức năng mỗi khi có lâm tặc chặt phá rừng.