ThienNhien.Net – Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu và trực tiếp cho cộng đồng dân cư ở trên và ven đầm phá, là nguồn lợi kinh tế thuỷ sản chủ yếu cho cả tỉnh, là tuyến giao thông quan trọng cho dân sự lẫn an ninh quốc phòng và phòng chống thiên tai, có tiềm năng phát triển kinh tế du lịch- dịch vụ lớn trong hiện tại và tương lai. Không những vậy nó còn có một chức năng đặc biệt về môi trường sinh thái, chức năng điều hòa dòng chảy, tiếp nhận nước, dự trữ nước…..
Nhận thức được tầm quan trọng cũng như giá trị to lớn mà đầm phá Tam Giang mang lại, trong thời gian vừa qua tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ trương sắp xếp lại nò sáo, khơi thông luồng lạch, bảo vệ môi trường nước tự nhiên trên phá Tam Giang – Cầu Hai.
Tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng và gần 50 tấn gạo hỗ trợ thí điểm đợt đầu cho 116 hộ với 344 lao động thuộc các xã Điền Hoà và Điền Hải (huyện Phong Điền) chuyển đổi ngành nghề, từ chuyên sống bằng nghề nò sáo trên đầm phá sang đan lưới xuất khẩu, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, cơ khí và sửa chữa xe máy dân dụng… Đợt này, mỗi hộ còn được hỗ trợ 6 tháng lương thực để ổn định đời sống.
Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích rộng hơn 22.000 ha mặt nước. Hiện trong vùng có hơn 14.500 hộ sinh sống, làm nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản. Hàng năm, toàn tỉnh đưa gần 2.700 ha mặt nước vùng ven phá Tam Giang vào nuôi tôm, sản lượng thu hoạch đạt 2.300 tấn.
Tuy nhiên, do tình trạng nuôi tôm chắn bằng nò sáo của bà con trong những năm qua đã làm giảm đáng kể nguồn lợi thuỷ sản trên phá Tam Giang. Theo thống kê, trong vùng hiện có hơn 3.100 ha mặt nước nuôi tôm chắn sáo, gây nên tình trạng thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của các loài thủy sản trên đầm phá. Huyện Phú Vang có tới 1.400 ha mặt nước bị lấn chiếm; huyện Phú Lộc có 820 ha mặt nước bị lấn chiếm.
Các địa phương trong tỉnh đang tích cực vận động bà con giảm tối đa các nghề làm ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang. Huyện Phú Vang tiến hành tháo dỡ 86 trộ nò sáo, 92 miệng đáy, và các trộ rớ lấn chiếm giao thông đường thuỷ để giải phóng khoảng 75 ha diện tích mặt nước trên đầm phá.
Các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền phấn đấu đến năm 2010 giảm 50% diện tích nò sáo, từng bước phục hồi môi trường sinh thái, bảo vệ tốt nguồn lợi thuỷ sản vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.