ThienNhien.Net – Là một tỉnh miền núi tiếp giáp với đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hoà Bình có tiềm năng thuỷ sản khá lớn. Toàn tỉnh hiện có trên 14.500 ha mặt nước có thể nuôi trồng thuỷ sản bao gồm 9.500 ha hồ chứa loại lớn, 1.760 ha hồ chứa loại vừa, 1.300 ha ao, hồ nhỏ hộ gia đình và trên 2.000 ha ruộng trũng cấy lúa có thể chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản hoặc kết hợp giữa cấy lúa và nuôi cá.
Tỉnh tập hợp nguồn thuỷ sản tự nhiên và khu hệ cá tương đối phong phú. Theo các kết quả nghiên cứu gần đây, trên địa bàn tỉnh có 123 loài cá thuộc 79 giống, 19 họ, bộ. Trong số đó, có 7 loài cá nhập nội đã phân tán ra sông, 116 loài cá nguồn gốc địa phương (Việt Nam); đặc biệt có tới 13 loài cá quý hiếm như cá chiên, lăng, bống, chày đất, cá thần, dầm xanh, cá chày chàng, trạch chấu, rầm vàng, cá trâu sứt, cá sinh, cá mỡ là loại đặc sản…
Nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản của tỉnh phát triển trong những năm gần đây. Hằng năm, cơ cấu sản lượng khai thác thuỷ sản tự nhiên nhỏ hơn nuôi trồng, trong đó, khai thác tự nhiên chỉ chiếm từ 20-23%, nuôi trồng từ 77-78%. Giá trị thuỷ sản khai thác năm 2007 đạt 9.790 triệu đồng, chiếm 20% giá trị ngành nông nghiệp. Nghề nuôi trồng thuỷ sản có dấu hiệu phù hợp với xu thế phát triển chuyển từ hình thức quảng canh sang thâm canh. Cơ cấu đàn cá nuôi được chuyển từ đối tượng nuôi truyền thống sang nuôi mới có giá trị kinh tế cao hơn như cá rô phi đơn tính, cá chép lai ba màu, tôm càng xanh, cá chim trắng, trê lai, chép, trôi…
Các chỉ tiêu, diện tích, sản lượng nuôi và giá trị ngành thuỷ sản năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2005, diện tích nuôi trồng thuỷ sản khoảng 1.300 ha, sản lượng đạt 1.350 tấn, đến năm 2008, diện tích nuôi trồng khoảng gần 2.000 ha, nuôi cá bè trên 900 lồng, tổng sản lượng khai thác khoảng 3.000 tấn; trong đó, nuôi trồng 2.230 tấn, khai thác 675 tấn (chủ yếu trên hồ Hoà Bình). Nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản trên đà phát triển và đang trở thành hướng xoá đói – giảm nghèo, làm giàu cho nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên nghề nuôi cá ở Hoà Bình vẫn chưa xứng với tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng. Năng suất cá nuôi ở các ao, hồ nhỏ đạt 1 tấn/ha, ở hồ chứa lớn 100kg/ha, cá ruộng theo phương thức xen canh trong lúa 300kg/ha. Như vậy, mặc dù năng suất cá nuôi ở Hoà Bình tương đương với các tỉnh Tây Bắc nhưng lại thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Tại những huyện như: Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Lạc Sơn và thành phố Hoà Bình có trình độ thâm canh cao, năng suất đã đạt 2 tấn/ha nhưng vẫn ở mức thấp. Các đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là cá phổ thông có giá trị thương phẩm không cao.
Vài năm nay, nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã đưa một số đối tượng nuôi mới vào sản xuất có hiệu quả cao nhưng còn nhỏ lẻ, phân tán và mang nặng tính tự phát, chưa thành những vùng tập trung quy mô lớn; năng lực sản xuất, thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Lòng hồ Sông Đà (phần địa phận tỉnh ) có diện tích 8.892 ha có lưu vực lớn, thức ăn tự nhiên dồi dào, nhiều loại cá đa dạng, phong phú là nơi phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, sản lượng khai thác tự nhiên hàng năm trên 500 tấn cá, tôm, các loại thuỷ sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn thuỷ sản trên hồ đang đứng trước nguy cơ sụt giảm bởi nạn đánh bắt cá tràn lan…
Để phát triển bền vững, ngành thuỷ sản tỉnh cần có chiến lược dài hơi, tập trung vào quy hoạch, xây dựng các mô hình điểm nuôi trồng thuỷ sản nhân ra diện rộng; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới nông dân và quản lý chặt chẽ việc đánh bắt thuỷ sản tự nhiên ở vùng hồ./.