ThienNhien.net – Lần đầu tiên các nhà khoa học thuộc trường Đại học Teramo ở Italy đã thành công trong việc làm đông lạnh tế bào động vật có nhân, sau đó làm cho tế bào này sống lại, tạo bước đột phá trong việc bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Các nhà khoa học ở đây đã thực hiện tách các tế bào từ buồng trứng của một con cừu cái và gửi các mẫu tế bào này sang làm lạnh ở Israel.
Sau đó, các tế bào đông lạnh được đưa trở lại Italy và được bảo quản trong môi trường có độ ẩm thích hợp. 5 năm sau, họ cấy tế bào đông lạnh vào tế bào buồng trứng của một con cừu khác mà nhân tế bào đã bị lấy đi.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Pasquano Loi cho biết, các tế bào thí nghiệm đã chết khi được làm lạnh, nhưng sau đó đã làm sống lại và tiếp tục phát triển trong buồng trứng của con cừu mới.
Các nhà khoa học hy vọng có thể áp dụng cách thức này trong việc nhân bản một số loài động vật để lấy thịt và lông như cừu. Năm 2001, giáo sư Loi đã nhân bản thành công một con cừu hoang dã giống mouflon nằm trong danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đây, người ta mới chỉ thành công trong việc làm đông lạnh nấm men, các loại nấm đơn bào thường được dùng để lên men bánh mì hay trong việc sản xuất các đồ uống có cồn.
Ngoài ra, các tế bào máu không có nhân cũng đã được đông lạnh thành công trong một thí nghiệm cách đây 10 năm./.