ThienNhien.Net – Sắp tới đây, ngành nông nghiệp Bạc Liêu sẽ triển khai nhân rộng 14 mô hình sản xuất được đúc kết từ thực tiễn đạt hiệu quả kinh tế cao mô hình: trồng rau an toàn; nuôi heo hướng nạc; nuôi cá kèo thương phẩm; nuôi vịt đẻ siêu thịt, ấp nở vịt con; nuôi cá bống tượng, cá chình; nuôi tôm xen canh lúa – màu; mô hình vườn – ao – chuồng; nhân giống lúa chất lượng cao.
Qua hơn 2 năm thực hiện, các mô hình này trên nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau ở các địa phương trong tỉnh đã mang lại cho người sản xuất hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hộ thu lợi nhuận thấp nhất đạt 40 triệu đồng/năm, hộ trang trại gia đình có thu nhập cao nhất 700 triệu đồng/năm từ nuôi bán cá chình thương phẩm và bán giống cá chình cho người nuôi. Những mô hình sản xuất loai này đều tuân thủ nghiêm ngặt qui trình sản xuất bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn vật nuôi-cây trồng; không dùng thuốc, hóa chất ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi, hướng tới sản xuất ”thân thiện với môi trường”.
Bạc Liêu hiện có trên 100 ha được các hộ thả nuôi cá chình và cá bống tượng, chủ yếu nằm ở vùng phía Bắc tỉnh gồm các huyện Giá Rai, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân. Mô hình nuôi cá chình cho thấy, trong điều kiện sản xuất bình thường, cho năng suất 400- 450 kg cá thương phẩm/1.000m2/năm, lãi ròng từ 50- 70 triệu đồng. Cá bồng tượng năng suất 500- 700 kg trên cùng diện tích thả nuôi và cho lãi ròng tương đương như nuôi cá chình.
Mô hình nuôi cá kèo đang phát triển nhanh ở vùng phía Nam tỉnh. Nhiều hộ nuôi tôm sú thất bại, hết vốn đã chuyển sang nuôi cá kèo và cho thu nhập khá cao. Diện tích thả nuôi hiện nay đã tăng lên gần 1.000 ha, gấp 4 lần năm 2007. Sau thời gian từ 4- 6 tháng thả nuôi với mật độ từ 50 – 80 con/m2, cho năng suất thấp nhất 500 kg/ha, hộ trúng đạt năng suất đến 3.000 kg/ha, lãi ròng từ 15- 20 triệu đồng/ha. Cá kèo phát triển nhanh là do đặc tính dễ nuôi, thích nghi với biến động của nhiệt độ, môi trường, ít bị bệnh, chi phí đầu tư ban đầu thấp(từ 4- 6 triệu đồng/ha) .
Các mô hình sản xuất mới phát triển nhanh, rộng cho thấy tính sáng tạo của người sản xuất, không bó tay ngồi chờ hỗ trợ. Bên cạnh đó còn có sự tác động tích cục từ phía cơ quan quản lý và chuyên môn kỹ thuật đã nhanh chóng chuyển giao hướng dẫn kịp thời cho người sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thụât vào sản xuất, giúp người sản xuất tăng nhanh thu nhập có thêm việc làm mới ở vùng nông thôn, góp phần quan trọng vào tiến trình xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Vấn đề quan trọng hiện nay là các cấp quản lý cần chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm từ các mô hình được nhân rộng này, đừng để người sản xuất lai rơi vào tình trạng ”trúng mùa, rớt giá” vì cung cầu mất cân đối khi diện tích sản xuất tăng nhanh./.