ThienNhien.Net – Hiện nay, do sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt, các yếu tố môi trường đang có nguy cơ bị lợi dụng tạo các rào cản kỹ thuật trong phát triển kinh tế – xã hội. Vấn đề “gắn nhãn môi trường” đang trở thành điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động thương mại, dịch vụ. Vì vậy, việc xây dựng nhãn sinh thái là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Nhãn sinh thái mang thông điệp cho người tiêu dùng và khách hàng về các tác động của sản phẩm hoặc dịch vụ đối với môi trường, sức khoẻ con người để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.
Đức là quốc gia phát động chiến dịch về nhãn sinh thái vào năm 1978. Đến nay đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới, như Mỹ, khối EU, Nhật, Thái Lan, Singapore thực hiện chương trình nhãn sinh thái. Khuynh hướng lựa chọn các sản phẩm dịch vụ có dán nhãn sinh thái trở nên phổ biến với khách du lịch tại các quốc gia này. Vì vậy việc nghiên cứu nhãn sinh thái vào thời điểm này ở Việt Nam đã là chậm so với nhiều nước.
Theo Mạng lưới nhãn sinh thái toàn cầu (GEN), Nhãn sinh thái là nhãn chỉ ra tính ưu việt về mặt môi trường của một sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại dựa trên các đánh giá vòng đời sản phẩm.
Trong ngành du lịch, các sản phẩm phổ biến có thể áp dụng nhãn sinh thái như đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ…Đó là những sản phẩm được sản xuất từ vật liệu tái chế hoặc giảm tối thiểu chi phí trong sản xuất, ít gây ô nhiễm môi trường. Một trong những dịch vụ của ngành du lịch cũng áp dụng nhãn sinh thái là hệ thống khách sạn. Nhãn sinh thái được gắn cho những khách sạn nào đảm bảo tốt dịch vụ vệ sinh, có ý thức bảo vệ môi trường, biểu hiện cụ thể qua việc xử lý nước thải, thu gom rác, bảo vệ cảnh quan, áp dụng việc tiết kiệm điện, chống tệ nạn xã hội trong khách sạn… |
Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội, thì hiện nay chỉ có khoảng 5% sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ đủ tiêu chuẩn dán nhãn sinh thái. Tuy nhiên, cũng chưa có một doanh nghiệp lữ hành nào của Việt Nam có sản phẩm được cấp nhãn hiệu sinh thái. Điều này sẽ là một cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam đang tiến hành cấp nhãn sinh thái cho hệ thống các khách sạn. Nhưng thực tế hiện nay, nước ta chưa có tổ chức, cơ quan Nhà nước làm nhiệm vụ tổ chức, đánh giá xem sản phẩm nào đủ điều kiện được cấp và phải dán nhãn sinh thái. Đó là khó khăn lớn trên con đường đi xây dựng nhãn sinh thái cho các sản phẩm du lịch vủa Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Vụ trưởng vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết: “Tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ xây dựng tiêu chuẩn và tiến hành thực hiện cấp “Nhãn sinh thái” cho hệ thống khách sạn trên toàn quốc, tiến tới “Nhãn sinh thái” sẽ đưa vào áp dụng cho các điểm tham quan du lịch trên cả nước.”
Hi vọng với sự giúp đỡ của các tổ chức, quốc gia trong việc tổ chức các chương trình nhãn sinh thái, cộng với sự nỗ lực và hoạt động hỗ trợ của các bộ ngành, Nhà nước trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý, Việt Nam sẽ “gắn nhãn” không chỉ cho ngành du lịch mà còn trong các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội khác.